Các nhà bán lẻ Temu, Shein bị đánh thuế 30% với hàng hóa vào Mỹ

Các nhà bán lẻ Temu, Shein bị đánh thuế 30% với hàng hóa vào Mỹ
4 giờ trướcBài gốc
Các nhà bán lẻ Trung Quốc trên nền tảng Shein và Temu bị yêu cầu nộp thêm 30% thuế nhập khẩu dưới dạng tiền đặt cọc. Ảnh: Reuters.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc trên nền tảng Shein và Temu (thuộc PDD Holdings Inc.) đang gặp khó khăn khi bị yêu cầu nộp thêm 30% thuế nhập khẩu với hàng hóa vào Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo Bloomberg, các nhà bán lẻ đã nhận thông báo về mức giá mới vào tối muộn ngày 5/2. Khoản thuế 30% này sẽ được thu dưới dạng tiền đặt cọc, sau đó các đại lý vận chuyển sẽ hoàn trả hoặc yêu cầu bổ sung tùy vào mức thuế thực tế từ hải quan Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá việc chính quyền ông Trump ngừng miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng giá rẻ có thể gây tác động mạnh đến ngành thương mại điện tử Trung Quốc, nhưng Shein có vẻ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn Temu.
Các nhà bán lẻ lo lắng
Điều này khiến nhiều nhà bán lẻ lo lắng vì không rõ quy trình thông quan sẽ bị kéo dài bao lâu. Căng thẳng gia tăng khi Dịch vụ Bưu điện Mỹ (USPS) liên tục thay đổi quyết định về việc xử lý hàng hóa từ Trung Quốc và Hong Kong.
Ban đầu, họ tuyên bố tạm ngừng một số lô hàng, nhưng sau đó đã đảo ngược quyết định và khẳng định đang làm việc với hải quan Mỹ để đảm bảo việc thu thuế diễn ra suôn sẻ, tránh gián đoạn quá trình giao hàng.
Ngoài việc áp thuế 10% đối với nhiều mặt hàng, ông Trump cũng đã hủy bỏ quy định "de minimis" dành cho Trung Quốc, khiến các lô hàng dưới 800 USD không còn được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ. Phần lớn quần áo và hàng tiêu dùng trên Shein và Temu thuộc diện này, khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Wang Lun - hiện quản lý bán hàng tại một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới ở Quảng Châu chuyên kinh doanh áo len và áo khoác trên Temu, TikTok và Amazon - cho biết gặp nhiều rắc rối trong 2 ngày qua.
Việc Dịch vụ Bưu điện Mỹ thay đổi chính sách khiến anh bất ngờ và gặp khó khăn trong việc giải thích với khách hàng. "Chúng tôi phải làm tất cả để giữ chân khách hàng. Nếu danh tiếng bị ảnh hưởng, mọi nỗ lực gây dựng trong 5 năm qua sẽ đổ sông đổ bể", anh chia sẻ.
Dịch vụ Bưu điện Mỹ được các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc ưa chuộng vì chi phí thấp và mạng lưới rộng khắp, kể cả các khu vực xa xôi. Nếu bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí nhiều nhà máy phải đóng cửa vì lợi nhuận đã quá mỏng.
"Nếu chính phủ Trung Quốc không có biện pháp đáp trả, điều này sẽ là cú sốc lớn cho Shein, Temu và hàng loạt doanh nghiệp nhỏ", Andy Guo, một nhà bán lẻ điện tử kiêm sáng lập viên Waimaojia, nhận định.
Bên trong Trung tâm xử lý và phân phối đơn hàng của Dịch vụ Bưu điện Mỹ (USPS) tại Los Angeles. Ảnh: Bloomberg.
Hiện Washington đang siết chặt lỗ hổng pháp lý mà Shein và Temu từng tận dụng để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Amazon. Nhiều ý kiến cho rằng dòng chảy hàng hóa từ Trung Quốc khó kiểm soát và có thể chứa hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là trợ lực cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế nội địa trì trệ.
Theo ông Guo, nhiều nhà bán lẻ đã chuẩn bị trước tình huống này từ tháng 5/2024 khi hải quan Mỹ siết chặt quy định nhập khẩu hàng nhỏ. Dù vậy, các mặt hàng giá rẻ như tất, phụ kiện thời trang và đồ gia dụng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Nhiều nhà cung cấp tham gia đàm phán với các nền tảng thương mại điện tử cho biết họ không còn khả năng giảm giá thêm do biên lợi nhuận đã chạm đáy. Một số lo ngại rằng việc đình chỉ vận chuyển sẽ khiến giá bán tại Mỹ tăng cao và thời gian giao hàng kéo dài hơn, trừ một số sản phẩm bán chạy được gửi đi số lượng lớn đến kho hàng ở nước ngoài.
Ông Wang, quản lý một doanh nghiệp nhỏ từ Quảng Châu, dự đoán doanh số sẽ sụt giảm nếu việc tạm dừng vận chuyển hàng nhỏ được thực thi. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận ít đơn hàng hơn hoặc giảm giá bán xuống thấp hơn nữa", anh nói.
Tin xấu với Temu, tệ hơn với Shein
Shein và Temu đã bùng nổ tại thị trường Mỹ trong những năm gần đây nhờ vào quy định "de minimis", cho phép các đơn hàng dưới 800 USD miễn thuế nhập khẩu. Một báo cáo vào tháng 6/2023 ước tính các nhà bán lẻ Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng số kiện hàng nhập khẩu vào Mỹ theo quy định này.
Chính sách "de minimis" bị xóa bỏ sẽ kéo tụt đáng kể tăng trưởng của các hãng thương mại điện tử Trung Quốc, Bank of America nhận định. Việc áp thuế 10% cùng với các chi phí khác có thể làm giảm số lượng lô hàng, kéo giảm 1,3 điểm % tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và khiến GDP Trung Quốc giảm 0,2 điểm % năm nay.
Số liệu của Statista cho thấy năm 2023, giá trị hàng hóa giao dịch trên Temu tại Mỹ là 15,1 tỷ USD. Phần lớn giao dịch diễn ra vào nửa cuối năm.
Theo ước tính của Nomura Holdings Inc., năm ngoái, các công ty như Shein và Temu đã vận chuyển khoảng 46 tỷ USD hàng hóa vào Mỹ với giá trị khai báo dưới 800 USD, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Temu cũng là ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất tại Mỹ trên các thiết bị của Apple và là năm thứ 2 liên tiếp họ dẫn đầu. Shein đứng thứ 12.
Dù vậy, theo Reuters, việc chính quyền ông Trump ngừng miễn thuế nhập khẩu cho các đơn hàng giá rẻ có vẻ khiến Shein chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn Temu do danh mục sản phẩm hạn chế và sự phụ thuộc lớn vào vận chuyển nhanh.
Nhà phân tích công nghệ Rui Ma nhận định: "Temu đã nhanh chóng mở rộng mô hình bán hàng bán quản lý - một chiến lược tương tự Amazon, trong đó hàng hóa được vận chuyển số lượng lớn đến kho nước ngoài thay vì gửi trực tiếp cho khách hàng".
Chỉ trong vài tháng sau khi Temu thu hút người bán chuyển hàng đến kho nội địa Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, khoảng 20% doanh số tại Mỹ của nền tảng này đã đến từ các kho hàng địa phương, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Marketplace Pulse.
Hai nhà bán hàng Temu tại Trung Quốc cho biết đến cuối năm ngoái, một nửa số sản phẩm họ bán sang Mỹ được gửi đến kho hàng trước khi giao cho khách.
Trang web của Temu. Ảnh: Bloomberg.
Ngoài ra, Temu còn gia tăng tỷ lệ hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển. Basile Ricard, Giám đốc vận hành tại Ceva Logistics Greater China, cho biết từ nửa cuối năm ngoái, Temu đã đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao hơn như đồ nội thất bằng đường biển, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngưỡng de minimis.
Ngược lại, Shein vẫn phụ thuộc nhiều vào vận chuyển hàng không để giao trực tiếp số lượng lớn sản phẩm thời trang siêu tốc mỗi tuần. Mặc dù Shein đã mở các trung tâm tại Illinois, California và một trung tâm chuỗi cung ứng ở Seattle, tốc độ vẫn là yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh của hãng.
"Shein khác biệt so với các nền tảng thương mại điện tử khác vì họ tập trung vào tốc độ ra mắt các mẫu mới và phản ứng nhanh với xu hướng, nên việc giao hàng nhanh là yếu tố sống còn của họ", Ricard nhận xét.
Mặc dù phần lớn sản phẩm Shein vẫn được sản xuất tại Trung Quốc, hãng đã bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách hợp tác với nhà sản xuất tại Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh thuế quan và quy định mới.
Tuy nhiên, Rui Ma cho rằng Shein và Temu có thể thích nghi nhanh chóng nhờ vào sự linh hoạt của các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc và chuỗi cung ứng tiên tiến của họ.
"Tôi nghĩ tác động sẽ rất lớn, đặc biệt trong ngắn hạn, nhưng không đến mức thảm họa", Ma nhận định. "Trung Quốc có những nhà vận hành thương mại điện tử cạnh tranh nhất và chuỗi cung ứng hiện đại nhất. Trừ khi có lệnh cấm hoàn toàn hoặc điều gì đó cực đoan hơn, họ sẽ tìm ra cách thích nghi".
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/cac-nha-ban-le-temu-shein-bi-danh-thue-30-voi-hang-hoa-vao-my-post1529871.html