Các nhà cung cấp trái cây tươi quốc tế thay đổi chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc

Các nhà cung cấp trái cây tươi quốc tế thay đổi chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc
5 giờ trướcBài gốc
Theo tờ China Daily, khi đã bén rễ sâu ở Trung Quốc, các gã khổng lồ cung cấp trái cây tươi quốc tế là Zespri và Driscoll’s đang chuyển chiến lược tăng trưởng sang các thành phố cấp thấp hơn, tập trung vào việc gia tăng nhận thức về sức khỏe, mức thu nhập khả dụng tăng và phát triển hệ sinh thái bán lẻ ở những nơi này để thúc đẩy tăng trưởng.
Để tăng cường sự hiện diện, Driscoll’s đang hợp tác với các chương trình phát trực tuyến phổ biến. Công ty đã hợp tác với loạt phim thực tế của iQiyi có tên Let's Farm, theo dõi 10 người tham gia trẻ mỗi mùa khi họ vận hành một trang trại thật, bán sản phẩm thông qua phát trực tiếp và tương tác với người tiêu dùng. Ông Henry Yoon, Giám đốc tiếp thị của Driscoll's China cho biết khán giả của chương trình chủ yếu là giới trẻ từ 18 đến 25 tuổi, ở các thành phố nhỏ, làm cho chương trình trở thành một nền tảng hoàn hảo cho công ty trong việc tạo dựng sự quen thuộc và thử nghiệm thương hiệu. Theo vị giám đốc này, Driscoll’s đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt hơn ở những thị trường này.
Trong hai năm qua, tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán của công ty ở các thành phố cấp thấp đã vượt ở những thành phố cấp một. Người dân ở các thành phố lớn như Thượng Hải hoặc Bắc Kinh đối mặt với áp lực nhiều hơn và nhạy cảm hơn với giá cả. Nhưng ở các thành phố cấp hai và cấp ba, những trung tâm mua sắm và nhà bán lẻ cao cấp như Hema vẫn rất nhộn nhịp. Đó là nơi công ty đặt cược chiến lược của mình.
Trong khi đó, Leo Li, người quản lý thương mại điện tử của Zespri, thương hiệu sản xuất kiwi có trụ sở ở New Zealand, cho biết sự gia tăng của việc phát trực tiếp và sức mua lớn chưa được khai thác ở các thành phố cấp ba đang thúc đẩy công ty thâm nhập sâu hơn vào những nơi này.
Cách tiếp cận để mở rộng thị trường của Zespri được thể hiện trong chiến lược mở rộng và làm sâu sắc, tập trung vào việc tăng số lượng cửa hàng tại các thành phố hiện có trong khi bước vào những trung tâm đô thị mới. Để đảm bảo chất lượng và sự sẵn có liên tục, Zespri đã xây dựng một hệ sinh thái phân phối và thương mại điện tử mạnh mẽ. Công ty hoạt động trên 72 thành phố và 55.000 cửa hàng ở Trung Quốc và có kế hoạch mở rộng nguồn cung cấp của mình lên hơn 60 triệu hộp tiêu chuẩn vào năm 2028.
Công ty cũng đang hợp tác với các nền tảng như Tmall, JD, Douyin, Meituan và nhiều hơn nữa để tiếp cận người tiêu dùng thông qua cả các kênh truyền thống và thương mại điện tử dựa trên sở thích.
Trong thời đại hậu dịch bệnh, cả hai thương hiệu này đều đang điều chỉnh thông điệp về sức khỏe và dinh dưỡng của họ để phản ánh những ưu tiên của người tiêu dùng.
Zespri đang nhấn mạnh tỷ lệ dinh dưỡng cao, giàu vitamin C và chỉ số đường huyết thấp trong trái cây của mình. Thương hiệu này cũng tăng gấp đôi các sản phẩm mới như kiwi đỏ, giàu anthocyanins và axit folic, nhằm thu hút người tiêu dùng nữ có nhu cầu dinh dưỡng cụ thể.
Theo Leo Li, người tiêu dùng đang tìm kiếm nhiều thứ hơn ngoài sự tươi mới, họ muốn các sản phẩm cải thiện chế độ ăn uống tổng thể của mình, đồng thời nhấn mạnh "chúng tôi muốn Zespri không chỉ được xem là một thương hiệu trái cây, mà còn là một giải pháp dinh dưỡng".
Tương tự, ngoài quả việt quất, Driscoll's tập trung vào việc mở rộng thị trường cho các loại quả khác như mâm xôi, dâu đen và dâu tây. Theo Henry Yoon, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn quen gắn Driscoll’s với quả việt quất, nhưng Driscoll’s là một thương hiệu đa chủng loại. Tuy nhiên, thương hiệu này đang giải quyết hai rào cản ở các thành phố cấp thấp đó là việc người dân không quen ăn một số loại quả và thiếu hàng bán lẻ. Để đột phá vào các thị trường mới và tăng sự chấp nhận sản phẩm, Driscoll's đang tận dụng những chiến lược tiếp thị dựa trên thương hiệu chung và theo lối sống. Vị giám đốc này giải thích: “Trong siêu thị, người tiêu dùng có thể không chủ động mua loại trái cây không quen thuộc. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã hợp tác với các thương hiệu như Blueglass để tạo ra bối cảnh tiêu thụ và công thức mới cho các sản phẩm như mâm xôi và dâu đen". Công ty cho biết những hợp tác này được thiết kế để giới thiệu việc tiêu thụ trái cây trong đời sống hàng ngày - từ bữa sáng, tới món tráng miệng nhiều lớp đến hỗn hợp sinh tố, đặc biệt là ở các khu vực mà việc tiêu thụ trái cây có xu hướng theo truyền thống hoặc theo mùa. Ngoài ra, hai thương hiệu trên đều nhấn mạnh vai trò của việc cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần nông nghiệp và chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong việc cho phép tiếp cận thị trường rộng hơn. Cả Driscoll và Zespri đều tự tin về triển vọng dài hạn của họ ở Trung Quốc. Zespri có mục tiêu tăng gấp đôi khối lượng bán hàng hộp tiêu chuẩn ở Trung Quốc vào năm 2029, so với mức của năm 2024. Trong khi đó, Driscoll’s cho biết Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của công ty. Tốc độ thay đổi ở đây không giống như bất kỳ nơi nào khác. Từ cơ sở hạ tầng đến nền tảng kỹ thuật số, mọi thứ đang phát triển và cùng với đó Driscoll’s cũng phát triển.
Hải Yến/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/cac-nha-cung-cap-trai-cay-tuoi-quoc-te-thay-doi-chien-luoc-kinh-doanh-o-trung-quoc/374477.html