Các nhà làm phim dường như chưa quan tâm đến quy định cấm sử dụng thuốc lá trong điện ảnh

Các nhà làm phim dường như chưa quan tâm đến quy định cấm sử dụng thuốc lá trong điện ảnh
4 giờ trướcBài gốc
Tràn lan cảnh hút thuốc lá trong các tác phẩm điện ảnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ. Ảnh MH.
Kết quả đánh giá một số phim ảnh và MV ca nhạc có số lượng truy cập cao và phổ biến trong thanh niên đều có rất nhiều hình ảnh thuốc lá. Trong đó, phim có hình ảnh thuốc lá, hút thuốc không theo quy định của pháp luật vẫn được duyệt chiếu trong các khung giờ vàng có nhiều thành viên gia đình xem bao gồm trẻ em, vị thành niên, thanh niên.
Các phim này không có cảnh báo về tác hại của thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Việt Nam là thành viên tham gia.
Các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà viết kịch bản, diễn viên và nhà quay phim dường như không chú ý và quan tâm tới các quy định về việc cấm sử dung thuốc lá, chưa nhận thức đầy đủ về các điều luật và quy định về phòng chống tác hại thuốc lá trong các sản phẩm điện ảnh, không ý thức được tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe nên không hề có các biện pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá cho diễn viên, thành viên khác trong đoàn phim.
Các quy định về cấm hút thuốc và giảm thiểu tác hại của thuốc lá trong các sản phẩm điện ảnh được đề cập tới trong các thông tư ban hành năm 2014 và 2018 bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trong Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 bởi Quốc hội chưa được thực hiện đầy đủ.
Việc MV ca nhạc không được liệt kê trong sản phẩm điện ảnh có thể là nguyên nhân khiến nhiều MV tràn ngập cảnh hút thuốc lá. Việc xây dựng hình tượng nhân vật hút thuốc trong các sản phẩm điện ảnh bị ảnh hưởng bởi các khuôn mẫu và hình mẫu về văn hóa và về giới.
Bà Huỳnh Lan Phương, chuyên gia của Vital Strategies chia sẻ Báo cáo của Hội Bác sĩ phẫu thuật Mỹ năm 2012 đã khẳng định có mối quan hệ giữa việc trẻ em bắt đầu hút thuốc và phơi nhiễm với hình ảnh thuốc lá trên màn ảnh.
Một nghiên cứu của Sargent và cộng sự trong năm 2005 trong thanh thiếu niên từ 10 đến 14 tuổi, những trẻ em trong nhóm 25% tiếp xúc nhiều nhất với hình ảnh thuốc lá trong phim có khả năng bắt đầu hút thuốc cao gấp 2,6 lần so với những em thuộc nhóm 25% tiếp xúc ít nhất.
Do đó, theo bà Hoàng Tú Anh, cần xây dựng hình mẫu giới tích cực trong các tác phẩm điện ảnh, trong việc đón nhận, đánh giá các tác phẩm điện ảnh và môi trường làm việc để tạo ra những tác phẩm đó. Giám sát thực hiện thông tư 2018 về cấm nhân vật hút thuốc và cấm sử dụng sản phẩm thuốc lá thật trong sản phẩm điện ảnh, sân khấu và đưa cảnh báo trong tác phẩm khi có hình ảnh thuốc lá/hút thuốc.
Đưa các sản phẩm MV ca nhạc vào đối tượng điều chỉnh của luật PCTHTL và Thông tư 2018. Cần đảm bảo các đoàn phim có các biện pháp đảm bảo an toàn cho diễn viên và các thành viên đoàn làm phim khỏi tác hại thuốc lá. Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục cho biên kịch, đạo diễn và diễn viên về các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá bao gồm thuốc lá điện tử và nâng cao sự sáng tạo về hình ảnh thay thế.
Đồng thời khuyến khích các sản phẩm xây dựng hình mẫu nam tính, nữ tính tính cực không hút thuốc trong điện ảnh và đời thường để thay đổi các quan niệm về nam tính, nữ quyền độc hại.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bô Y tế), việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL về việc hạn chế tối đa hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh là hết sức quan trọng và cần thiết.
Chu Lương
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/cac-nha-lam-phim-duong-nhu-chua-quan-tam-den-quy-dinh-cam-su-dung-thuoc-la-trong-dien-anh-459524.html