Châu Âu vẫn tiếp tục muốn thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga, đồng thời cho rằng Nga nếu muốn đàm phán thì phải có ý kiến trao đổi với châu Âu. Một số các quan chức EU lo ngại, việc này có thể dẫn tới những cáo buộc cản trở các cuộc đàm phán hòa bình do lập trường cứng rắn của EU. Từ đó có thể khiến châu Âu và Mỹ xảy ra những xung đột không mong muốn, đặc biệt là khi hai bên đang gia tăng căng thẳng về vấn đề thương mại và quốc phòng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Thủ tướng Anh Keir Starme (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Anh. Ảnh: AFP
Trước đó, ngày 27/3, Tổng thống Pháp khẳng định châu Âu sẽ tiếp tục truyền đạt tầm nhìn của mình trong cuộc đối thoại với Mỹ và Khối này cần có khả năng bảo vệ lợi ích của mình. Một số quan chức châu Âu thừa nhận rằng việc nới lỏng lệnh trừng phạt sẽ là một phần của các cuộc đàm phán, mặc dù theo quan điểm của các nhà lãnh đạo EU, một lệnh ngừng bắn tạm thời phải được thực hiện trước tiên.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra cảnh báo, khu vực này đang phải đối mặt với thực tế đầy rủi ro đồng thời đề nghị người dân cần dự trữ nhu yếu phẩm để có thể đảm bảo ít nhất 72 giờ khi có khủng hoảng xảy ra. Khuyến nghị này ngay lập tức như là một cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình an ninh tại châu Âu, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về những tính toán tiếp theo đối với cuộc xung đột hiện nay nhất là khi các bên đã bắt đầu có những tín hiệu tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Dù rằng còn nhiều tranh cãi trong cách tiếp cận của EU đối với cuộc xung đột hiện nay nhưng rõ ràng EU đang đối mặt với những bất đồng trong các biện pháp ứng phó với Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang có xu hướng giảm bớt sự ủng hộ và hiện diện khỏi Liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Hải Đăng/VOV-Praha