Đức Giáo hoàng Francis trong một sự kiện tổ chức gần Đấu trường La Mã ở Rome vào ngày 18/4/2014. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Giáo hoàng Francis, nói rằng: “Từ Buenos Aires đến Rome, Giáo hoàng Francis đã mong muốn Giáo hội mang lại niềm vui và hy vọng cho những người nghèo nhất. Để kết nối con người với nhau và với thiên nhiên. Cầu mong niềm hy vọng ấy luôn được phục sinh không ngừng vượt qua chính Ngài”, ông Macron phát biểu trong một tuyên bố.
Ông Friedrich Merz, người sắp kế nhiệm chức Thủ tướng Đức, cho biết: “Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Ngài sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không ngừng với những thành viên yếu thế nhất trong xã hội, vì công lý và hòa giải”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi lời chia buồn, nói rằng Đức Giáo hoàng “truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa phạm vi Giáo hội Công giáo, nhờ lòng khiêm nhường và tình yêu thuần khiết dành cho những người kém may mắn”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông “vô cùng đau buồn” trước sự ra đi của Đức Giáo hoàng. “Trong giờ phút tang thương và tưởng nhớ này, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới cộng đồng Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Francis sẽ luôn được tưởng nhớ như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, khiêm nhường và dũng khí tinh thần bởi hàng triệu người trên khắp thế giới”, ông nói.
Tổng thống Israel Isaac Herzog bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất tới thế giới Công giáo”, và tưởng nhớ Giáo hoàng là “một con người của đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô biên”, người “coi trọng việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với cộng đồng Do Thái và thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo”.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng tất cả các cơ quan chính phủ sẽ treo cờ rủ trong hôm 22/4 như một dấu hiệu tưởng niệm vị Giáo hoàng quá cố. “Đối với người Công giáo Australia, Ngài là một người bảo vệ tận tụy và một người cha yêu thương”, ông Albanese nói. “Giáo hoàng Francis đã sống trọn đức tin và sứ mệnh của mình bằng cả lời nói và hành động. Ngài thực sự là nguồn cảm hứng”.
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết Giáo hoàng là “một người khiêm nhường, và di sản của Ngài bao gồm sự cam kết kiên định với những người dễ bị tổn thương, với công lý xã hội và với đối thoại liên tôn giáo”.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gọi Giáo hoàng là “người tiên phong cho sự hòa hợp tôn giáo, hòa bình và thăng tiến nhân loại”, và gọi sự ra đi của Ngài là “một mất mát không thể bù đắp cho cả thế giới”.
Tổng thống Lebanon Joseph Aoun nói rằng cái chết của Đức Giáo hoàng là “một mất mát cho toàn nhân loại, vì Ngài là một tiếng nói mạnh mẽ vì công lý và hòa bình, một người bảo vệ người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và một nhà vận động cho đối thoại giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau”.
Tổng thống Malta Myriam Spiteri Debono cho biết Đức Giáo hoàng “sẽ được nhớ đến vì sự khiêm nhường, sự quan tâm đặc biệt mà Ngài dành cho người nghèo và người bị bỏ rơi trong nhiệm kỳ của mình, và những nỗ lực không ngừng vì hòa bình và hòa giải quốc tế”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ lòng tri ân trên mạng xã hội X, gọi Ngài là “một người tử tế, ấm áp và giàu cảm xúc”.
Trước đó trong ngày, Tòa thánh Vatican thông báo rằng Giáo hoàng Francis đã qua đời tại nơi ở của ông trong Nhà nguyện Casa Santa Marta, bên trong Vatican, hưởng thọ 88 tuổi.
“Thưa các anh chị em đạo hữu, với nỗi buồn sâu sắc, tôi phải thông báo rằng Đức Thánh Cha Francis của chúng ta đã qua đời”, Hồng y Kevin Farrell công bố trên kênh truyền hình Vatican. “Lúc 7 giờ 35 sáng nay, Giám mục Roma – Francis – đã trở về nhà với Chúa Cha”.
Huyền Chi