Đưa công nghệ vũ khí hướng Tây
Lần đầu tiên, công nghệ vũ khí thời chiến của Ukraine đang trên đường đến phương Tây.
“Tôi tin rằng các dự án hợp tác này là cơ hội thực sự đầu tiên để ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine mở rộng ra nước ngoài”, Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu khi công bố một thỏa thuận mới với Đan Mạch hôm 4/7. “Thỏa thuận này liên quan đến UAV và nhiều loại vũ khí thiết yếu khác”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Các ngành chiến lược Herman Smetanin cho hay thỏa thuận “mở ra con đường xây dựng cơ sở sản xuất quốc phòng Ukraine trên lãnh thổ Đan Mạch”.
Bộ trưởng Các ngành chiến lược Ukraine Herman Smetanin (trái) và Bộ trưởng Công nghiệp Đan Mạch Morten Bodskov ký thỏa thuận cho phép các công ty quốc phòng Ukraine mở cơ sở sản xuất tại Đan Mạch, ngày 4/7/2025. Ảnh: FB Herman Smetanin
Hình thức đồng sản xuất này nằm trong loạt thỏa thuận hợp tác giữa Ukraine và các quốc gia châu Âu – vừa nhằm giúp các công ty Ukraine sản xuất ngoài lãnh thổ đang bị không kích hàng ngày, vừa tạo cơ hội để các công ty quốc phòng và công nghệ châu Âu tiếp cận các công nghệ chiến trường mới nhất do Ukraine phát triển.
Ông Ihor Fedirko, cựu quan chức Bộ Các ngành chiến lược, hiện là người đứng đầu Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine cho biết, phần lớn vũ khí sản xuất theo chương trình hợp tác sẽ được chuyển trở lại Ukraine và quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ được giữ lại trong nước.
Một số nhà sản xuất UAV của Ukraine đã có cơ sở lắp ráp ở nước ngoài từ trước khi chính phủ áp đặt kiểm soát xuất khẩu sau khi ban bố thiết quân luật. Các công ty thế hệ đầu như DeViRo và Skyeton, được thành lập hơn 10 năm trước, đã mở nhà máy ở EU trước năm 2022.
Các quy định kiểm soát xuất khẩu phi chính thức trong 3 năm qua đã khiến phần lớn công nghệ quân sự mới – trong đó có nhiều sản phẩm tiên tiến và hiệu quả – không thể ra khỏi Ukraine. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa, trong khi các công ty nước ngoài thu lợi từ công nghệ được thiết kế và thử nghiệm tại Ukraine, còn họ chỉ có thể bán cho quân đội trong nước vốn thiếu ngân sách.
“Cần phải nói thẳng rằng xuất khẩu công nghệ quân sự luôn bị kiểm soát – chưa có quốc gia nào trên thế giới tự do xuất khẩu vũ khí như người ta phân phát bánh mì cả. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đáng nói là đã đến lúc cho phép các công ty trong nước được xuất khẩu một phần, dù là đơn hàng nhỏ và chỉ với các quốc gia đã ký thỏa thuận an ninh với Ukraine”, ông Fedirko nói.
Trong trường hợp của Đan Mạch, khoảng 5% sản phẩm cuối cùng sẽ được giữ lại cho các công ty chủ nhà. Đây được xem là cách giúp họ tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm vũ khí.
Từ viện trợ đến đồng sản xuất
Đan Mạch là quốc gia đầu tiên tài trợ trực tiếp cho các công ty khởi nghiệp quốc phòng Ukraine từ năm 2024 và cũng là nước đầu tiên chính thức khởi động chương trình cho phép các doanh nghiệp Ukraine xây dựng nhà máy tại lãnh thổ của mình. Phía Đan Mạch hy vọng chương trình này sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng lâu dài trong nước, đồng thời tăng tốc hỗ trợ Ukraine.
“Kể từ khi ông Trump tái đắc cử, mọi thứ đã thay đổi. Trước đó, các nước Bắc Âu giúp Ukraine đơn giản vì muốn giúp. Còn bây giờ, là vì chính họ bắt đầu cảm thấy lo ngại”, ông Esben Gadsboll, nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp Đan Mạch, người dẫn dắt chương trình Defense Innovation Highway đóng vai trò kết nối giữa Đan Mạch và Ukraine cho biết. Mối lo này xuất phát từ xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh Mỹ đang dần thu hẹp các cam kết với NATO.
Binh sĩ Ukraine phóng UAV Vampire tại hướng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 28/4/2025. Ảnh: Ukrinform
Ông Eric Wanscher, sĩ quan dự bị của Không quân Đan Mạch và hiện điều hành trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Erhvervshus Fyn cho biết chính phủ Đan Mạch đã cấp 50 triệu euro cho chương trình đưa các công ty Ukraine vào hoạt động tại các nhà máy nước này. Ông Wanscher là người phụ trách kết nối các doanh nghiệp Ukraine và các đơn vị chủ nhà của Đan Mạch.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, việc sản xuất diễn ra ở Đan Mạch là điều rất quan trọng. Chúng tôi sẽ học được cách sản xuất, còn phía Ukraine có thêm năng lực, vì họ được sản xuất trong môi trường an toàn hơn”, ông Wanscher chia sẻ.
Tại Ukraine, các nhà máy liên tục là mục tiêu không kích, khiến việc sản xuất vũ khí – đặc biệt là các hệ thống phức tạp hoặc nguyên liệu cơ bản nhưng đòi hỏi quy trình hóa học quy mô lớn – gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, các nước EU như Đan Mạch lại chậm phát triển năng lực sản xuất quốc phòng trong nước.
Các thỏa thuận tương tự với Na Uy và Anh, công bố cuối tháng 6, cũng đang mở đường để các công ty Ukraine thiết lập sản xuất tại đó.
Lối thoát giữa xung đột và bước đệm vào NATO
Việc mở rộng đồng sản xuất ở phương Tây được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine ổn định chuỗi cung ứng vũ khí, đồng thời tạo nguồn thu và môi trường an toàn cho các doanh nghiệp quốc phòng. Các công ty châu Âu đóng vai trò chủ nhà cũng được tiếp cận công nghệ hiện đại – điều mà các tập đoàn quốc phòng lớn đã theo đuổi suốt hơn 2 năm qua.
“Đây là một cuộc cạnh tranh công nghiệp. Không chỉ Đan Mạch, mà Đức, Hà Lan và Pháp cũng muốn có các công ty Ukraine”, ông Wanscher cho biết, nói thêm rằng nhiều doanh nghiệp Ukraine đang phải cân nhắc giữa nhiều lời mời gọi từ các quốc gia châu Âu.
UAV và tàu không người lái Magura được trưng bày trong triển lãm thiết bị quân sự tại Kiev, Ukraine, ngày 11/6/2024. Ảnh: Bloomberg
Thông tin chi tiết về các hợp đồng hiện vẫn còn hạn chế. Một đại diện Bộ Các ngành chiến lược Ukraine từ chối bình luận, chỉ nói rằng các thỏa thuận đang ở giai đoạn đầu và các bên “đang thăm dò lẫn nhau”.
Một đại diện của Terma, công ty quốc phòng lớn nhất Đan Mạch, cũng nói rằng “còn quá sớm để bình luận về mô hình đồng sản xuất vì nó vẫn đang trong quá trình xây dựng”.
Ông Wanscher xác nhận chương trình chưa chính thức hoàn thiện nhưng cho biết: “Chúng tôi vẫn đang vận hành theo cách riêng. Tôi biết đã có danh sách sơ tuyển một số công ty tham gia chương trình – điều này như một ‘bí mật công khai’ vậy”.
Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là UAV tấn công tầm xa (bao gồm cả UAV dạng tên lửa), UAV đánh chặn và các hệ thống tác chiến điện tử – những loại vũ khí mà Ukraine rất cần, nhưng Đan Mạch hiện chưa có khả năng sản xuất quy mô lớn. Nước này hy vọng sẽ nhập khẩu năng lực sản xuất mà mình còn thiếu.
Ông Gadsboll nhận định các cụm công nghệ về UAV và robot tại Odense và Aalborg là địa điểm tiềm năng cho đồng sản xuất, vì các doanh nghiệp tại đây đã quen với mô hình sản phẩm mà Ukraine muốn đưa sang, chẳng hạn như UAV đánh chặn tự động hoặc UAV tấn công tầm xa.
Sáng kiến hợp tác cũng mở ra cơ hội thử nghiệm và trình diễn các sản phẩm tiên tiến nhất của Ukraine cho các quan chức và nhà đầu tư phương Tây – những người không thể hoặc không muốn đến Ukraine trong bối cảnh chiến sự. Các nhà sản xuất vũ khí Ukraine hy vọng có thể quảng bá sản phẩm của mình cho người mua vào thời điểm xuất khẩu được mở cửa hoàn toàn.
Với Ukraine, đây là bước đi chiến lược để duy trì sản xuất vũ khí quan trọng như UAV tên lửa, pháo Bohdan hay tên lửa truyền thống – những loại vũ khí đang trực tiếp đối đầu với Nga trên chiến trường.
Như ông Fedirko nói: “Họ muốn đặt cơ sở sản xuất cách xa tiền tuyến, ở những lãnh thổ mà Nga không thể không không kích”.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Kyiv Independent