Chiều 9-5, tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, đã chia sẻ về những đề xuất chính sách, giải pháp đột phá trong dự thảo.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DNTN và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ về những đề xuất chính sách, giải pháp đột phá trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: VGP
Theo bà Thủy, Bộ Tài chính đã nghe ý kiến của các nhóm doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp TH Group nói rằng khi TH Group kinh doanh ở Nga thì doanh nghiệp này được hỗ trợ chuyển đổi xanh.
Khi doanh nghiệp mua, nhập máy móc, thay đổi dây chuyền để phát triển theo hướng chuyển đổi xanh thì nước Nga hỗ trợ 30% chi phí đã đầu tư và trừ thẳng luôn vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Điều này giúp cho doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục để hoàn thuế.
"Chúng tôi nghe từng câu chuyện và tư duy làm chính sách của các nước để cố gắng thể hiện, không làm như cách cũ", bà nói và cho rằng nếu theo cách làm cũ, doanh nghiệp nộp trước, sau đó về chứng minh và được hoàn trả, như vậy doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi.
Thông tin thêm, bà Thủy cho biết khi dự thảo Nghị quyết 68, Bộ Tài chính đã song song soạn thảo dự thảo Nghị quyết Quốc hội và chương trình hành động. Đến nay, Bộ Tài chính đã cố gắng thể chế hóa tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà làm được ngay. Với những vấn đề cần thời gian nghiên cứu để đạt độ 'chín' sẽ được thể hiện ở các Luật.
Dẫn chứng, bà Thủy nói nguyên tắc xử lý sai phạm, phân định rõ trách nhiệm hành chính, dân sự, kinh tế và hình sự, hay quy định thanh tra đối với doanh nghiệp chỉ tiến hành một lần trong một năm, đều là những điều Nghị quyết đã nêu nhưng Luật Thanh tra chưa có quy định. Do đó, bà mong muốn sớm sửa Luật Thanh tra, khẳng định nếu không có vi phạm thì chỉ kiểm tra một năm một lần.
Thông tin thêm, bà Thủy cho hay về khả năng doanh nghiệp tiếp cận đất đai trong KCN cũng đã được thể chế hóa. Các vấn đề KH&CN cũng đưa vào dự thảo Nghị quyết, các chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện R&D sẽ được tính thành 200% khi xác định để tính thuế TNDN. Có nghĩa rằng doanh nghiệp bỏ 1 đồng thì chi phí doanh nghiệp được trừ khi xác định thuế là 2 đồng.
Hoặc quy định miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp, miễn phí, lệ phí môn bài từ năm 2026 cũng đã được dự kiến. Hay những chính sách sẽ triển khai ngay những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ 10.000 CEO, hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra quốc tế...
"Những điều này chúng tôi đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở và sẽ trình ngay Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động", bà Thủy nhấn mạnh
Bà cho biết Bộ Tài chính đã đưa tối đa vào dự thảo khoảng 9-10 nhóm chính sách đã nêu trong Nghị quyết và dự kiến ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18-5, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo chương trình hành động của Chính phủ.
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết cũng giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Và Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 68, đồng thời dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68.
MINH TRÚC