Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy

Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy
7 giờ trướcBài gốc
Do vị trí đặc biệt của tuyến tụy nằm sâu bên trong các cơ quan khác. Ngoài ra, căn bệnh này lại có khá ít triệu chứng lâm sàng, nên rất dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Vì thế bệnh nhân khi được chẩn đoán thường đã rơi vào giai đoạn muộn. Thông thường chỉ có khoảng 10% bệnh nhân ung thư tụy được phát hiện ở giai đoạn sớm, còn lại khoảng 53% được chẩn đoán là khi đã ở vào giai đoạn IV (giai đoạn cuối), với tình trạng bệnh lý đã di căn rất xa so với khối u ban đầu.
Mổ nội soi cho một trường hợp bệnh nhân bị ung thư tuyến tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Theo thống kê cho thấy, hiện nay có 4 nhóm người thuộc nguy cơ cao có thể sẽ mắc ung thư tuyến tụy như: người bị viêm tụy cấp và luôn trong tình trạng tái phát nhiều lần, dẫn đến bị viêm tụy mạn tính; những người có thói quen quá lạm dụng rượu, bia và thuốc lá; người mắc bệnh đái tháo đường ở thể nặng và cuối cùng là các trường hợp bị béo phì do rối loạn chuyển hóa.
Theo Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng khoa khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cà Mau (CDC), thông tin cho biết: “Tụy là một phần của hệ thống tiêu hóa. Khi đã bị ung thư tuyến tụy thường là rất khó chữa khỏi. Nguyên nhân là do vị trí của tụy nằm ẩn sâu bên trong ổ bụng, giữa phúc mạc và dạ dày, lại ít có triệu chứng rõ ràng”.
Thông thường các dấu hiệu nhận biết ung thư tụy chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở vào giai đoạn nặng, người bệnh bị đau ở vùng bụng rất dữ dội. Tuy vậy, những cơn đau ban đầu chỉ là sự thoáng qua, sau đó âm ỉ ở vùng thượng vị. Vì thế, người bệnh luôn nhầm tưởng là đau dạ dày. Giai đoạn kế tiếp là đau dần sang 2 bên, thậm chí có trường hợp đau ra phía sau lưng. Không ít bệnh nhân luôn có cảm giác bị đau gián đoạn, nhưng đến khi ăn hoặc nằm ở tư thế ngửa lại khiến cho bụng trở nên đau đớn không chịu nổi. Nguy hiểm của căn bệnh ung thư tụy chính là sự diễn tiến từ từ, rồi lâu dần sẽ tăng lên theo thời gian.
Theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, cá biệt có một số trường hợp bệnh nhân bất chợt xuất hiện các cơn đau rất kinh khủng. Trong trường hợp này, phần nhiều là do khối u ác tính đã phát triển quá lớn, gây nên sự tắc nghẽn ống tụy dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp. Ngoài triệu chứng đau bụng, các dấu hiệu như: nước tiểu sẫm màu, vàng da… cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý ung thư tụy. Bởi vì lúc này khối u đã làm tắc nghẽn ống mật, làm cho dịch mật khó di chuyển từ gan xuống tá tràng, khiến cho mật đi ngược dòng vào trong máu và lúc này sẽ xuất hiện hiện tượng vàng da, nước tiểu đậm màu. Bên cạnh đó, quá trình đi đại tiện của bệnh nhân cũng không được bình thường, như bị phân sống, tiêu chảy… Người bệnh cảm thấy chán ăn, sốt cao, sụt cân nhanh và cơ thể bắt đầu suy nhược.
Một trường hợp bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, được bác sĩ thăm khám.
Tổ chức Ung thư toàn cầu đã chỉ ra rằng, ung thư tụy dù đứng hàng thứ 13 trong hầu hết các loại ung thư đang phổ biến trên thế giới hiện nay, nhưng lại là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bình quân những người mắc bệnh này di trì sự sống sau 5 năm chỉ chiếm khoảng 9,3%.
Bác sĩ Phan Văn Tam, Phó trưởng khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho hay: “Nguyên nhân cụ thể của căn bệnh ung thư tụy hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào xác định được một cách chính xác và rõ ràng. Song, một số nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết đến căn bệnh chết người này là do có mối quan hệ di truyền, hoặc bệnh nhân là người đang mắc phải một căn bệnh mạn tính nào khác ở tuyến tụy, người thừa cân, béo phì và phần lớn rơi vào những người ở tuổi 50 trở lên…”.
Được biết, hiện nay các bệnh lý có liên quan đến mật, tụy ngày càng khá phổ biến. Việc thực hiện nội soi kết hợp với phẫu thuật chuyên sâu cũng khá phát triển, nó không chỉ giúp cho công tác điều trị được tốt hơn, mà còn tránh được cho bệnh nhân phải phẫu thuật phức tạp, cho phép các bác sĩ chuyên khoa quan sát được những tổn thương rất nhỏ, nằm sâu bên trong ổ bụng của bệnh nhân. Thế nhưng phương pháp này tại Việt Nam với số lượng những bệnh viện được trang bị thiết bị nội soi siêu âm cũng như số lượng bác sĩ thành thạo kỹ thuật này vẫn còn rất hạn chế. Do đó, nếu là người có tiền sử tiểu đường, viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mạn tính, giải pháp tốt nhất là nên đi thăm khám và theo dõi tầm soát định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Phương Vũ
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/cac-nhom-doi-tuong-co-nguy-co-cao-mac-ung-thu-tuyen-tuy-a35736.html