Bạo lực bắt đầu từ ngày 21/11, đã khiến hơn 40 người thiệt mạng, chủ yếu là người Hồi giáo Shia, và nhiều người khác bị thương.
Biểu tình lên án vụ giết người sau khi các tay súng nổ súng vào xe chở khách ở Kurram, Karachi, Pakistan vào ngày 22 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Akhtar Soomro / Reuters
Các vụ đụng độ bùng phát sau khi các tay súng tấn công vào các đoàn xe dân thường, khiến hàng chục người thiệt mạng. Đáp trả, cư dân trong khu vực đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào người Sunni.
Khu vực Kurram nằm gần biên giới Afghanistan, từ lâu đã là điểm nóng của xung đột giáo phái giữa người Shia và Sunni. Nguyên nhân chính được cho là các tranh chấp đất đai kéo dài nhiều thập kỷ.
Sau các vụ tấn công, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, ông Muhammad Ali Saif, cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 24/11. “Hai bên cũng đồng ý trao đổi tù nhân và trả lại thi thể cho nhau”, ông nói thêm.
Đội hòa giải đã bay đến thành phố Parachinar, thủ phủ huyện Kurram, vào ngày 23/11 để gặp gỡ các lãnh đạo Shia và Sunni. Thành phố và các làng xung quanh đã bị đặt trong tình trạng giới nghiêm nghiêm ngặt, với sự hiện diện của các nhóm vũ trang.
Cảnh sát trưởng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, ông Akhtar Hayat Gandpur, cho biết các lãnh đạo Shia yêu cầu bắt giữ ngay lập tức những kẻ tấn công dân thường và bồi thường cho các nạn nhân.
Huyện Kurram từng là một phần của Khu vực Hành chính Bộ lạc Tự trị (FATA) cho đến khi được sáp nhập vào tỉnh Khyber Pakhtunkhwa năm 2018. Kể từ đó, khu vực này vẫn chứng kiến những cuộc xung đột kéo dài giữa hai cộng đồng Shia và Sunni.
Tháng trước, 16 người bao gồm ba phụ nữ và hai trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tương tự. Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan, từ tháng 7 đến tháng 10/2024, ít nhất 79 người đã thiệt mạng vì bạo lực giáo phái trong khu vực này.
Các cuộc đụng độ vào tháng 7 và tháng 9 năm nay chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của một hội đồng bộ lạc kêu gọi ngừng bắn.
Hôm 22/11, hàng trăm người tại các thành phố Karachi và Lahore đã xuống đường biểu tình phản đối bạo lực giáo phái, yêu cầu chính quyền đảm bảo an ninh và công lý cho các nạn nhân.
Mặc dù lệnh ngừng bắn bảy ngày được coi là một bước tiến tích cực, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng xung đột giáo phái sẽ không thể chấm dứt nếu các vấn đề cơ bản như tranh chấp đất đai và sự bất bình đẳng trong khu vực không được giải quyết triệt để.
Cao Phong (theo Reuters, aljazeera)