Thông cáo vào ngày 24/12 cho biết, cuộc gặp giữa al-Sharaa và các lãnh đạo nhóm vũ trang đã kết thúc bằng việc đạt được thỏa thuận về việc giải thể các nhóm vũ trang và sáp nhập chúng dưới sự giám sát của Bộ Quốc phòng Syria.
Tuy nhiên, nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hỗ trợ ở phía đông bắc Syria, không tham gia vào thỏa thuận này.
Thủ tướng Mohammed al-Bashir đã phát biểu vào tuần trước rằng Bộ Quốc phòng Syria sẽ được tái cấu trúc với sự tham gia của các phe phái phiến quân cũ và các sĩ quan đã đào tẩu khỏi quân đội của cựu Tổng thống Bashar al-Assad.
Đây là một trong những diễn biến quan trọng nhất kể từ khi chế độ của Bashar al-Assad sụp đổ. Ngay sau khi chế độ Assad sụp đổ, các chiến binh đối lập từ khắp nơi trong nước đã đổ về Damascus, với một số nhóm tuyên bố kiểm soát các khu vực khác nhau của thủ đô.
Lãnh đạo trên thực tế của Syria Ahmed al-Sharaa tham dự một cuộc họp với các cựu thủ lĩnh phe phái phiến quân tại Damascus. Ảnh: SANA
Sau cuộc tấn công toàn diện hơn hai tuần trước, nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã giành quyền kiểm soát Damascus. Chính quyền mới đã bổ nhiệm Murhaf Abu Qasra, một nhân vật lãnh đạo trong cuộc nổi loạn lật đổ Bashar al-Assad, làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ lâm thời.
Al-Sharaa trước đó đã cam kết rằng tất cả các vũ khí trong nước, bao gồm cả vũ khí do người Kurd nắm giữ, sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước Syria. Ông cũng đã tìm cách trấn an các quan chức phương Tây rằng HTS, vốn là một chi nhánh cũ của al-Qaeda, sẽ không trả thù chế độ Assad và không đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số.
Ông khẳng định rằng trọng tâm chính của chính quyền mới là tái thiết đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tuyên bố không muốn tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột mới nào.
Cũng trong ngày 24/11, Qatar kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, một ngày sau khi một phái đoàn cấp cao của Qatar thăm Damascus, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ quán Qatar tại Damascus cũng đã mở cửa trở lại vào ngày 22/12, kết thúc một cuộc rạn nứt ngoại giao kéo dài 13 năm giữa hai quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed al-Ansari, nhấn mạnh: "Lập trường của Qatar rất rõ ràng. Cần phải nhanh chóng dỡ bỏ lệnh trừng phạt, vì những lý do dẫn đến các lệnh trừng phạt này không còn nữa, và những lý do đó chủ yếu là những tội ác của chế độ trước đây".
Ngọc Ánh (theo AJ, Reuters)