Các nội dung về việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Viện Phúc thẩm, VKSND khu vực

Các nội dung về việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Viện Phúc thẩm, VKSND khu vực
5 giờ trướcBài gốc
Các nội dung tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Viện Phúc thẩm
Thông tư nêu rõ, kể từ ngày 1/7/2025, Viện Phúc thẩm có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định mà VKSND cấp cao chưa giải quyết xong; những bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với:
Vụ án hình sự đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 1/7/2025 mà bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm nhưng sau đó bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Vụ án hình sự mà TAND cấp tỉnh thụ lý theo thủ tục sơ thẩm từ ngày 1/7/2025 theo quy định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15 mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà trước ngày 1/7/2025 thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao; kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của TAND cấp tỉnh.
Kiểm sát việc giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại TAND cấp tỉnh theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện Phúc thẩm, VKSND cấp cao trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đối với quyết định, hành vi tố tụng trong hoạt động xét xử phúc thẩm tại phiên tòa.
Kiểm sát việc Tòa Phúc thẩm TAND tối cao giải quyết các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị đối với các vụ việc, vụ án khác đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc khác và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của Tòa phúc thẩm TAND tối cao.
Đồng chí Phạm Viết Vượng, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh thăm kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu của VKSND khu vực 2. (Ảnh minh họa)
Quy định việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND khu vực
Cũng theo Thông tư quy định, kể từ ngày 1/7/2025, VKSND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây: Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án hình sự theo quy định tại các điều 10, 11 và 12 Thông tư số 02/2025/TT-VKSTC.
Tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ việc khác mà VKSND cấp huyện chưa giải quyết xong; những vụ việc, vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp huyện bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ việc phá sản và những vụ việc khác theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của TAND khu vực, bao gồm: Kiểm sát việc thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND khu vực theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản, Luật Trọng tài thương mại, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các luật khác, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.
Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND khu vực mà TAND cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 1/7/2025 nhưng chưa thụ lý.
Kiểm sát việc TAND khu vực thụ lý, giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự đã tiến hành hòa giải, đối thoại tại TAND cấp tỉnh nhưng thuộc trường hợp chấm dứt hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc TAND cấp tỉnh đã ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Kiểm sát việc TAND khu vực xem xét, quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian áp dụng xử lý hành chính còn lại trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Kiểm sát việc TAND khu vực xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với phạm nhân, áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù; các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong thi hành án theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát việc giải quyết vụ việc phá sản, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền của TAND khu vực.
Kiểm sát việc giải quyết đối với vụ việc bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của TAND khu vực mà TAND cấp tỉnh đã nhận đơn yêu cầu trước ngày 1/7/2025 nhưng chưa thụ lý.
Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền.
Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của VKSND cấp huyện, VKSND khu vực và những trường hợp khác theo quy định pháp luật.
Viện trưởng VKSND khu vực giải quyết tố cáo hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc VKSND khu vực, VKSND cấp huyện, trừ tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND khu vực và của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và pháp luật khác có liên quan.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có trách nhiệm thi hành án hành chính, TAND khu vực, Chấp hành viên, tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi khu vực theo quy định.
Ngoài ra, VKSND khu vực kiểm sát việc giải quyết các vụ việc khác và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
P.V
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/cac-noi-dung-ve-viec-tiep-nhan-nhiem-vu-thuc-hien-tham-quyen-cua-vien-phuc-tham-vksnd-khu-vuc-180462.html