Đòn thuế đối ứng Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 2-4 đang khuấy động toàn cầu. Hàng loạt nước vừa bắt tay lên phương án ứng phó vừa khẩn trương thúc đẩy đối thoại với Washington nhằm tìm tiếng nói chung trong vấn đề thương mại đặc biệt khi thời điểm đòn thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực (ngày 9-4) đang tới gần.
Các phái đoàn cấp tập tới Mỹ
Ngày 8-4, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo cho biết Seoul sẽ “chủ động” đàm phán với Washington nhằm giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng của Mỹ đối với ngành công nghiệp và nền kinh tế Hàn Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo. Ảnh: YONHAP
“Trong chuyến công tác tới Mỹ lần này, chúng tôi sẽ phải đàm phán về thuế đối với thép và ô tô – hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc. Việc Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán thuế quan với các quốc gia ngay trước chuyến thăm của chúng tôi tới Washington là một tín hiệu tích cực” - ông Cheong nói, đồng thời cho biết sẽ tìm hiểu thêm về kế hoạch áp thuế của Mỹ đối với chất bán dẫn và các mặt hàng khác.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Katsunobu Kato cho biết Tokyo đã cử một nhóm đàm phán cấp cao đến Mỹ để thảo luận thuế quan với chính quyền Washington. Thủ tướng Nhật Ishiba Shigeru ngày 7-4 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump về thuế đối ứng.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira sẽ dẫn đầu phái đoàn sang Mỹ trong tuần sau để thảo luận về các vấn đề thương mại, theo tờ Bangkok Post. “Chúng tôi sẽ nói với chính phủ Mỹ rằng Thái Lan không chỉ là một nước xuất khẩu mà còn là một đồng minh và đối tác kinh tế mà Mỹ có thể tin tưởng lâu dài” - thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Trong khi đó, chính phủ Bangladesh đề nghị chính quyền ông Trump tạm hoãn áp mức thuế đối ứng 37%, đổi lại Bangladesh cam kết sẽ “tăng đáng kể” lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia - ông Airlangga Hartarto cho biết Jakarta sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao nhằm đối phó với mức thuế đối ứng 32% mà Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa Indonesia. Chính quyền Jakarta cũng triển khai một phái đoàn đàm phán tới Mỹ.
Ngày 7-4, Ủy ban châu Âu cho biết đã đưa ra đề xuất thuế quan "0% đổi 0%" với Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ-EU. "Chúng tôi đã đưa ra mức thuế 0% đổi 0% đối với hàng hóa công nghiệp của Mỹ. Châu Âu luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận tốt, vì vậy chúng tôi để ngỏ phương án này trên bàn đàm phán" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Ủy viên EU về thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic cho biết EU ưu tiên đối thoại, nhưng “chúng tôi không chờ đợi vô thời hạn”. Theo Reuters, Brussels dự kiến công bố một gói biện pháp đối phó sâu rộng vào cuối tháng 4 để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ áp lên ô tô và các mặt hàng khác. Ông Sefcovic khẳng định EU sẵn sàng xem xét mọi lựa chọn trả đũa, trong đó có việc kích hoạt Công cụ chống ép buộc, cho phép hạn chế các dịch vụ của Mỹ hoặc cấm doanh nghiệp Mỹ tham gia đấu thầu công ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh áp thuế đối ứng lên các nước. Ảnh: AFP
Trung Quốc đưa ra quan điểm cứng rắn với Mỹ. Sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng 34% áp lên hàng Trung Quốc, ngày 6-4 Bắc Kinh đáp trả rằng sẽ áp đúng mức thuế 34% lên hàng Mỹ. Đến ngày 7-4, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp mức thuế bổ sung 50% lên hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế 34%. Ngay sau đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ lên tiếng rằng Bắc Kinh sẽ không khuất phục sức ép của ông Trump.
Ngày 8-4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này cực lực phản đối việc ông Trump cảnh báo sẽ áp thêm 50% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết sẽ kiên quyết đưa ra các biện pháp đối phó và "sẽ chiến đấu đến cùng" để bảo vệ quyền và lợi ích của nước này, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Mỹ cứng rắn chuyện thuế quan, song vẫn để ngỏ đàm phán
Ngày 7-4, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran cho biết Tổng thống Trump sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với các đề xuất mà các quốc gia và vùng lãnh thổ đệ trình nhằm tránh các mức thuế mới của Mỹ, theo The New York Times.
Ông Miran khẳng định Tổng thống Trump “có bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng những thỏa thuận mang lại lợi ích đáng kể”, đồng thời nói rằng Washington sẽ hoan nghênh các nỗ lực xây dựng từ phía đối tác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 7-4. Ảnh: EPA
Trong bối cảnh nhiều nước bày tỏ mối lo ngại, các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump vẫn duy trì thông điệp cứng rắn về hiệu lực của các biện pháp thuế quan vừa được công bố.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trên đài CNN rằng: “Tổng thống Trump sẽ không rút lại tuyên bố. Từ ‘miễn trừ’ không nằm trong chương trình nghị sự hiện tại”. Trên đài CBS News, ông Lutnick tiếp tục khẳng định: “Không có chuyện trì hoãn. Các mức thuế này chắc chắn sẽ được duy trì trong nhiều ngày hoặc vài tuần tới".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng nêu rõ lập trường tương tự khi chia sẻ với đài NBC News, rằng các vấn đề liên quan đến thâm hụt thương mại không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên ông Bessent để ngỏ khả năng đối thoại.
“Chúng tôi đã khuyến nghị các chính phủ giữ thái độ bình tĩnh, tránh các hành động leo thang và chủ động đưa ra đề xuất hợp tác với Mỹ” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Cùng quan điểm đó, Cố vấn thương mại cấp cao Mỹ Peter Navarro nhấn mạnh các mức thuế mới là một phần trong chiến lược thiết lập lại cán cân thương mại toàn cầu. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC, ông Navarro khẳng định: “Đây không phải là một cuộc thương lượng. Đây là tình huống khẩn cấp quốc gia”. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu tích cực hơn, ông Navarro cho biết trên đài Fox News rằng Mỹ vẫn sẵn sàng lắng nghe nếu các quốc gia sẵn sàng đối thoại trên cơ sở thiện chí và cam kết cải cách thực chất.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, nếu quý vị muốn đến và đối thoại” - ông Navarro nói, đồng thời cũng kêu gọi các quốc gia xem xét loại bỏ những rào cản phi thuế quan, hoặc các chính sách hạn chế nhập khẩu nếu mong muốn nhận được điều chỉnh từ phía Washington.
Trước một số thông tin cho rằng chính quyền Mỹ đang cân nhắc tạm hoãn việc áp thuế trong vòng 90 ngày, Nhà Trắng đã chính thức bác bỏ và khẳng định đây là tin không chính xác. Ông Trump cũng khẳng định không cân nhắc bất kỳ hình thức tạm dừng áp thuế nào, nói rằng: “Chúng tôi không xem xét điều đó. Hiện có rất nhiều quốc gia đang tiếp cận để đàm phán với chúng tôi, và các thỏa thuận sẽ phải công bằng. Trong một số trường hợp, họ sẽ phải chịu mức thuế quan đáng kể".
Thuế đối ứng: Ông Trump đã tiếp đại diện những nước nào?
Theo tờ The Guardian, ngày 7-4 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi tiếp Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump với một lãnh đạo nước ngoài liên quan chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Tại Phòng Bầu dục bên cạnh ông Trump, Thủ tướng Netanyahu cam kết xóa bỏ thâm hụt thương mại giữa Israel và Mỹ. Tổng thống Trump cho biết ông và Thủ tướng Israel đã có “cuộc trao đổi tuyệt vời”, song không đưa ra cam kết về việc có giảm thuế đối với hàng hóa từ Israel hay không.
Bên cạnh cuộc họp của ông Trump với lãnh đạo Israel, ông Trump trước đó cũng đã điện đàm với lãnh đạo nhiều nước nhằm thảo luận thuế đối ứng, như với Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba ngày 7-4 và trước đó là với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo Nhà Trắng, có khoảng 70 quốc gia liên hệ yêu cầu tổ chức các buổi đối thoại liên quan chính sách thuế mà ông Trump công bố hôm 2-4.
DƯƠNG KHANG