Các nước châu Âu ứng phó ra sao với tỷ phú Elon Musk sau khi ông Trump đắc cử

Các nước châu Âu ứng phó ra sao với tỷ phú Elon Musk sau khi ông Trump đắc cử
2 ngày trướcBài gốc
Tỷ phú Elon Musk trả lời phỏng vấn tại Vancouver, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện nay, ông Musk đang là một tỷ phú đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh, sở hữu một nền tảng truyền thông chính trị hùng mạnh và đặc biệt là được Tổng thống sắp nhậm chức Trump của Mỹ ủng hộ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ trên khắp châu Âu đang khá bối rối khi đưa ra ứng xử phù hợp với tỷ phú Musk, tránh được những chỉ trích mang tính thất thường của ông về tình hình nội trị.
Tỷ phủ Musk - chủ sở hữu của Tesla và mạng xã hội X - được giao nhiệm vụ lãnh đạo chiến dịch nâng cao hiệu quả của chính phủ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Ông Musk đã không hề do dự khi chỉ trích chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Biden và ủng hộ phe đối lập ở một số quốc gia châu Âu. Điều này được xem là khá mâu thuẫn khi ông Musk cũng từng phàn nàn về sự can dự của bên ngoài vào chính trường Mỹ.
Mối bất hòa lớn nhất của ông Musk dường như đang là Chính phủ của Công đảng Anh dưới thời Thủ tướng Keir Starmer. Bên cạnh đó, vị tỷ phú này cũng có những chỉ trích khá gay gắt với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và ủng hộ các lực lượng cực hữu ở cả 2 quốc gia này. Trong tuần này, ông Musk cũng đang có những động thái ủng hộ đối thủ của Thủ tướng Canada đương nhiệm Trudeau.
Lãnh đạo ở các quốc châu Âu khác đang tìm cách “ve vãn” nhằm tránh được mối bất hòa ông Musk cũng như qua đó làm dịu mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Trump - người mà tỷ phú Musk đã dốc lòng giúp sức trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua thông qua hàng triệu USD tiền tài trợ. Trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời chủ sở hữu Tesla và X đến dự lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà và muốn ông Musk tham dự hội nghị thượng đỉnh công nghệ sắp tới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ý Georgia Meloni được cho là đã xây dựng một mối quan hệ cá nhân với tỷ phú Musk. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã có những thay đổi trong cách tiếp cận ông Musk sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bất chấp một số phát ngôn bất lợi liên quan cuộc chiến Nga – Ukraine trước đó. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng được đánh giá là đang muốn tăng cường hợp tác kinh doanh với vị doanh nhân này.
Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng tuy không ai chính thức thừa nhận nhưng với ảnh hưởng hiện nay, tỷ phú Musk đang được xem là một trong những người quyền lực nhất thế giới và việc làm mất lòng ông Musk có thể dẫn đến hậu quả “thảm khốc”.
Một cựu cố vấn chính phủ Anh đề nghị giấu tên từng làm việc với tỷ phú Musk vì von rằng ông Musk là “một tắc kè hoa” và mọi người không bao giờ biết được phiên bản nào của vị tỷ phú này sẽ xuất hiện, không ai có lợi khi coi ông ấy là kẻ thù.
Tỷ phú Musk chỉ trích Thủ tướng Anh trên mạng xã hội
Ông Musk lên tiếng ủng hộ Đảng Cải cách Vương quốc Anh do nhà vận động Brexit Nigel Farage - một người bạn lâu năm của ông Trump – làm lãnh đạo. Ông Nigel Farage được cho là đã gặp tỷ phú Musk vào tháng trước và thảo luận về một khoản tài trợ đầy tiềm năng.
Trong những ngày gần đây, tỷ phú Musk dường như quay sang ủng hộ nhà hoạt động cực hữu đang bị bắt giam Tommy Robinson của Anh. Nội dung trên được đưa ra khi ông Musk tuyên bố rằng Thủ tướng Anh đã không coi trọng việc giải quyết vấn đề các băng đảng tội phạm lạm dụng trẻ em khi ông Starmer là người đứng đầu cơ quan công tố Anh.
Động thái trên đã vấp phải sự phản ứng từ các chính trị gia của nước Anh, trong đó Thứ trưởng Y tế Andrew Gwynne khi phát biểu với Đài phát thanh LBC đã nói rằng: "Ông Elon Musk là công dân Mỹ và có lẽ nên tập trung vào các vấn đề ở phía bên kia Đại Tây Dương".
Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Y tế Anh Wes Streeting đã đưa ra lời đề nghị “hòa giải” với giám đốc điều hành Tesla trong một cuộc phỏng vấn sau đó với ITV News. Ông Streeting cho biết những lời chỉ trích của tỷ phú Musk là chưa đúng và chắc chắn là thiếu thông tin khi đưa ra. Ông nhấn mạnh Chính phủ Anh hoan nghênh, thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với các gã khổng lồ công nghệ để giải quyết vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
Tuy vậy, tỷ phú Musk dường như không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm “tông giọng” với chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Anh Starmer. Một số người nhận định việc từ chối mời ông Musk tới dự hội nghị thượng đỉnh đầu tư quan trọng vào tháng 10 năm ngoái khiến Chính phủ Anh “mất điểm” trước vị tỷ phú Mỹ đầy quyền lực này. Về phần mình, Chính quyền của ông Starmer đã cố tránh bình luận liên quan, bất kể tỷ phú Musk đã trực tiếp chỉ trích vị thủ tướng nước Anh và yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Chính phủ Đức quan ngại trước phát ngôn của ông Musk
Tại Đức, các nhà lãnh đạo chính trị chính thống ngày càng lo ngại về việc tỷ phú Musk ủng hộ đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD). Thủ tướng Đức Scholz đang phải gồng mình trong một chiến dịch tranh cử đầy khó khăn vào tháng 2 sắp tới. Tuy nhiên, ông không phải chỉ đương đầu với các đối thủ chính trị trong nước và còn cả với vị doanh nhân Elon Musk.
Trong một cuộc phỏng vấn với Funke Mediengruppe được công bố những ngày gần đây, đồng lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền Lars Klingbeil đã so sánh sự can thiệp của tỷ phú Musk tới cuộc bầu cử ở Đức với các hoạt động gây ảnh hưởng từ các quốc gia đối thủ của nước này.
Nhiều chính trị gia chính thống Đức lo ngại tỷ phú Musk sẽ tiếp tục làm suy yếu các đảng trung dung của nước này bằng cách bình thường hóa với AfD và giảm bớt tính cấp tiến của đảng này. Những lo lắng đó trở nên rõ ràng hơn khi Phó Tổng thống đắc cử của Mỹ JD Vance đăng lại bản dịch tiếng Anh nội dung bài viết thể hiện sự ủng hộ của tỷ phú Musk dành cho AfD trên tờ báo Welt am Sonntag của Đức.
Tổng thống Macron "lấy lòng" tỷ phú Musk
Tại Pháp, chính quyền của Tổng thống Macron cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chính trị không quá khác quá nhiều với Thủ tướng Scholz ở Đức. Tuy nhiên, khác với Đức, tỷ phủ Musk vẫn chưa có động thái sự ủng hộ đối với lãnh đạo phe đối lập bà Marine Le Pen cũng như phe cực hữu Pháp. Tổng thống Macron đang có những động thái lôi kéo ông Musk về cùng “chiến tuyến” với mình.
Ông Macron đã hối thúc doanh nhân công nghệ này cùng với ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Paris vào tháng tới . Sự xuất hiện của bộ đôi này tại lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà trong tháng 12/2024 trước đó được đánh giá là một chiến thắng ngoại giao cho ông Macron.
Tuy nhiên, ông Macron được cho là đang gặp khó khi duy trì mối quan hệ tối đẹp với tỷ phú Musk khi Ủy ban châu Âu đang gây sức ép với Tổng thống Pháp về tiến trình điều tra mạng xã hội X trong việc tuân thủ các quy định thông tin.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang chờ xem tỷ phú Musk sẽ hướng sự chú ý của mình đến khía cạnh nào sau khi ông Trump nhậm chức vào cuối tháng này. Tuy nhiên, một cựu cố vấn chính phủ Anh nhấn mạnh rằng chính phủ các nước không nên loại bỏ cơ hội hợp tác kinh doanh với tỷ phú Musk.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nuoc-chau-au-ung-phora-sao-voi-ty-phu-elon-musk-sau-khi-ong-trump-dac-cu-20250104093807137.htm