Từ cuối năm 2024, Việt Nam đã tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đã đề ra các chủ trương và kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ là nơi thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, bao gồm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 - giao cho Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia làm chủ đầu tư.
Ngày 17/2/2025, tại hội thảo “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch điện VIII) và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược” do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện Viện Năng lượng đề xuất, xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ (là vị trí được mô hình tính toán tối ưu lựa chọn) làm địa điểm dự phòng cho trường hợp không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại vị trí Ninh Thuận.
Trên thế giới, việc lựa chọn địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân là một quá trình phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế và tác động môi trường tối thiểu. Sau đây, là ví dụ cụ thể về chiến lược lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của một số cường quốc điện hạt nhân trên thế giới.
Pháp
Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng hạt nhân cao nhất thế giới, với hơn 70% điện năng đến từ các nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Pháp có chiến lược chọn địa điểm xây dựng nhà máy rất bài bản, dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, môi trường và kinh tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài.
Tiêu chí quan trọng bậc nhất khi chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân là khả năng cung cấp nước làm mát cho lò phản ứng, vì nước đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa nhiệt độ và ngăn chặn sự cố. Vì vậy, Pháp đặt nhiều nhà máy điện hạt nhân gần các con sông lớn như: Sông Rhône (nhà máy Tricastin, Cruas); sông Loire (nhà máy Belleville, Dampierre); sông Seine (nhà máy Nogent). So với việc đặt nhà máy điện hạt nhân gần biển, đặt gần sông có một ưu điểm lớn là giúp các thiết bị tránh bị ăn mòn do muối.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Nogent của Pháp. Ảnh: Aube Champagne.
Nhà máy điện hạt nhân phải được đặt cách xa khu đô thị đông dân để giảm rủi ro trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân. Ở Pháp, nhà máy điện hạt nhân luôn được đặt cách khu dân cư ít nhất 10-20 km và có vùng đệm bảo vệ để ứng phó sự cố. Ví dụ: Nhà máy Nogent-sur-Seine cách Paris khoảng 110 km, đảm bảo cung cấp điện cho thủ đô nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn.
Tránh khu vực hay có động đất và thiên tai là một yếu tố quan trọng khác trong việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Pháp ít xảy ra động đất, nhưng vẫn có những khu vực địa chất không ổn định, đặc biệt là phía Tây Nam. Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp thường tránh xa vùng có nguy cơ động đất cao, đặc biệt là dãy núi Alps và Pyréneés.
Các nhà máy điện hạt nhân thường đặt gần khu công nghiệp lớn để tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn (đường điện, giao thông, lao động), giúp giảm chi phí vận chuyển vật liệu và xây dựng. Điển hình như Nhà máy Gravelines (bờ biển phía Bắc nước Pháp) nằm gần khu công nghiệp Dunkirk, giúp tối ưu hóa chi phí vận hành.
Nhà máy điện hạt nhân là mục tiêu nhạy cảm, cần được bảo vệ khỏi nguy cơ tấn công khủng bố hoặc sự cố an ninh. Vì vậy Chính phủ Pháp đặt một số nhà máy gần căn cứ quân sự hoặc khu vực dễ kiểm soát an ninh.
Cơ quan môi trường Pháp đánh giá kỹ tác động đến hệ sinh thái trước khi phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nga
Nga là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng hạt nhân, với hơn 35 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và nhiều dự án đang xây dựng. Chính phủ Nga có chiến lược lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất bài bản, dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, môi trường, an ninh và chiến lược phát triển kinh tế.
Giống như các quốc gia khác, các nhà máy điện hạt nhân ở Nga thường nằm ven biển, như nhà máy Kaliningrad ( biển Baltic), nhà máy Rostov (biển Azov), hoặc bên cạnh sông lớn, như nhà máy Balakovo (sông Volga), nhà máy Novovoronezh (sông Don).
Đặc biệt, nước Nga đã tận dụng các vùng khí hậu lạnh để tối ưu hiệu suất của các nhà máy điện hạt nhân. Do nước làm mát từ môi trường lạnh giúp hiệu suất nhiệt của lò phản ứng cao hơn, Nga đã đặt nhiều nhà máy điện hạt nhân tại phía Bắc đất nước, nơi có nhiệt độ thấp.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga. Ảnh: Sputnik News.
Nước Nga có diện tích rộng lớn, vì vậy các nhà máy điện hạt nhân được phân bổ hợp lý để đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn. Các khu vực đông dân như Moscow, St. Petersburg có nhà máy gần đó để cung cấp điện liên tục. Vùng xa xôi như Siberia cũng có nhà máy để hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.
Nga có một số khu vực có nguy cơ động đất cao như vùng Viễn Đông, vì vậy khi xây dựng các nhà điện máy hạt nhân, hoạt động khảo sát địa chất được tiền hành kỹ lưỡng để đảm bảo được đặt tại các khu vực địa chất ổn định. Các nhà máy điện hạt nhân của Nga được đặt tại khu vực ít bị ảnh hưởng bởi động đất, núi lửa, lũ lụt để giảm nguy cơ thảm họa.
Nga xem năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia, vì vậy các nhà máy được đặt tại vị trí có thể bảo vệ tốt khỏi các cuộc tấn công khủng bố hoặc chiến tranh. Một số nhà máy gần căn cứ quân sự, có sự bảo vệ nghiêm ngặt từ quân đội. Ngoài ra, Nga còn xây dựng các lò phản ứng hạt nhân di động, như nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov để cung cấp điện cho vùng Bắc Cực.
Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển điện hạt nhân nhanh nhất thế giới. Hiện tại, nước này có hơn 55 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và nhiều dự án đang xây dựng. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ, Trung Quốc có chiến lược chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất cụ thể.
Khác với Pháp, quốc gia tỷ dân ưu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở khu vực ven biển, với khu vực trọng điểm là bờ biển phía Đông và Đông Nam. Việc đặt nhà máy điện hạt nhân ven biển giúp Trung Quốc giảm nguy cơ thiếu nước làm mát lò phản ứng so với các nhà máy đặt sâu trong lục địa, đồng thời hạn chế tác động đến nguồn nước ngọt nội địa, vốn đang bị khai thác mạnh cho nông nghiệp và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, một số nhà máy điện hạt nhân cũng được Trung Quốc xây trong lục địa để đảm bảo cân bằng lưới điện quốc gia. Điều kiện quan trọng về vị trí của các nhà máy này là phải gần sông lớn hoặc hồ chứa lớn để có đủ nước làm mát. Hồ Bắc, Giang Tây là các khu vực chính để Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong lục địa.
Một góc nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 4 đầu tiên trên thế giới ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: CGTN.
Tiêu chuẩn khoảng cách an toàn tối thiểu giữa nhà máy điện hạt nhân và khu dân cư được Trung Quốc đặt ra để giảm thiểu rủi ro sự cố phóng xạ. Theo đó, các nhà máy thường được xây dựng cách thành phố lớn ít nhất 20-30 km. Các nhà máy gần đô thị được gia cố bảo vệ kỹ lưỡng để hạn chế tối đa tác động đến dân cư khi xảy ra sự cố.
Trung Quốc có một số vùng tiềm ẩn nguy cơ động đất cao (Tứ Xuyên, Tây Tạng), nên các nhà máy điện hạt nhân không được đặt tại những khu vực này. Chính phủ tập trung xây nhà máy ở vùng có nền địa chất ổn định, tránh động đất và sóng thần. Sau sự cố Fukushima (2011), Trung Quốc đã nâng cấp hệ thống bảo vệ chống động đất, sóng thần cho các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là các nhà máy ven biển.
Coi năng lượng hạt nhân là một phần của chiến lược an ninh năng lượng, Trung Quốc bảo vệ rất nghiêm ngặt các nhà máy điện hạt nhân của mình. Một số nhà máy đặt gần căn cứ quân sự hoặc khu vực dễ bảo vệ.
Thanh Bình