Các nước đang phát triển nhất trí sẽ cùng nhau vượt qua thử thách toàn cầu. Ảnh minh họa: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Trong bối cảnh thuế đối ứng của Mỹ được các chuyên gia nhận định gây tác động lớn đến nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả việc giảm cơ hội tăng trưởng của các nước đang phát triển và gián đoạn trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu, các quốc gia vẫn nhất trí duy trì quan điểm phải hợp tác sâu rộng hơn.
Về phần mình, Trung Quốc cam kết mở cửa và hợp tác cùng có lợi, đồng thời nước này sẽ tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển khác và tiếp tục duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm và hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) là cốt lõi.
Tất cả các bên tham dự sự kiện đều nhất trí tăng cường hợp tác thương mại Nam - Nam để thúc đẩy phát triển và đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Xét riêng về từng khu vực, ghi nhận trong thập kỷ qua, châu Á đã nổi lên như một động lực mạnh mẽ của tăng trưởng toàn cầu. Bất chấp những trở ngại lớn từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị, phần lớn khu vực vẫn duy trì ổn định và thịnh vượng đáng kể.
Giữa những thay đổi sâu rộng đang định hình lại bối cảnh toàn cầu, châu Á vẫn khẳng định hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi vẫn là nguyện vọng chung của người dân khu vực.
Các chuyên gia nhận định, trong một thế giới đang phải chịu đựng sự bất ổn ngày càng gia tăng, sự đoàn kết của châu Á để thúc đẩy thịnh vượng chung là ví dụ điển hình về những gì mà hợp tác cùng có lợi dựa trên lợi ích chung được chia sẻ và tầm nhìn rõ ràng cho tương lai có thể đạt được.
Để vượt qua những thách thức do xung đột thương mại gây ra, các nước đang phát triển có thể áp dụng một số cách tiếp cận chiến lược. Đầu tiên, đa dạng hóa các đối tác thương mại. Thứ hai, tăng cường liên minh khu vực. Thứ ba, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Thứ tư, cải cách chính sách và quy định. Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua cải cách quy định có thể thu hút đầu tư nước ngoài… và quan trọng là tận dụng hỗ trợ quốc tế.
Nhìn chung, khi điều hướng bối cảnh phức tạp này, điều quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển là áp dụng cách tiếp cận cân bằng, không chỉ giải quyết thách thức trước mắt mà còn tận dụng cơ hội mới nổi. Bằng cách thực hiện các chiến lược nêu trên, các quốc gia này có thể định vị tốt hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của mình trước những thay đổi toàn cầu đang diễn ra.
HẠNH NHI (Tổng hợp và lược dịch từ Xinhua Net & The Frontier Post)