Các quốc gia trên thế giới siết chặt hoạt động quảng cáo sản phẩm của người có sức ảnh hưởng. Ảnh: Caproasia.
Tại Việt Nam, nhu cầu mua hàng thông qua quảng cáo của những người có sức ảnh hưởng (KOL, KOC) gia tăng mạnh sau đại dịch Covid-19, khi xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ. Thậm chí, chỉ cần sở hữu từ 10.000 người theo dõi trở lên, một cá nhân đã có thể tạo ra ảnh hưởng và có được niềm tin từ người tiêu dùng.
Trong dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, lần đầu tiên hoạt động "livestream bán hàng" và "review sản phẩm" có mục đích thương mại được luật hóa; KOL, KOC được coi là người bán hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các KOL, KOC phải đảm bảo thông tin đưa ra là đúng sự thật, không gây hiểu nhầm; và nếu tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm pháp luật có thể bị xử lý.
Trước đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định người có ảnh hưởng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Người có ảnh hưởng, trên tư cách cá nhân kinh doanh hoặc bên thứ ba cung cấp thông tin, khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ cho người tiêu dùng, hoặc không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc được tài trợ, thì sẽ bị xem xét xử phạt, với mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Mỹ yêu cầu minh bạch khi nhận tiền quảng cáo
Theo Social Shepherd, trong năm 2024, khoảng 82,7% nhà tiếp thị tại Mỹ đã sử dụng KOL trong các chiến dịch quảng cáo. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên 86% vào năm nay.
Tại Mỹ, minh bạch là yếu tố cốt lõi trong quản lý KOL, KOC. Ủy ban Thương mại công bằng Mỹ (FTC) yêu cầu mọi KOL, KOC phải công khai khi nhận thù lao từ việc quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này nhằm đảm bảo người tiêu dùng không bị lừa dối bởi các quảng cáo ngầm dưới hình thức nội dung tự nhiên.
Kim Kardashian bị phạt 1,26 triệu USD vì không công bố đã được trả tiền để quảng cáo tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.
Năm 2019, FTC đã ban hành hướng dẫn người có ảnh hưởng minh bạch thông tin với người tiêu dùng khi quảng bá sản phẩm.
Theo đó, KOL, KOC phải công khai với người xem nếu có mối quan hệ với nhãn hàng, bao gồm quan hệ gia đình, làm việc, tài chính hoặc cá nhân. Việc công khai là cần thiết kể cả khi họ không nhận tiền mà chỉ được tặng sản phẩm miễn phí, mã giảm giá hay bất kỳ ưu đãi nào. Thông tin về mối quan hệ với nhãn hàng cần đặt cạnh nội dung quảng cáo về sản phẩm.
FTC nhấn mạnh người có ảnh hưởng không nên mặc định rằng người xem sẽ tự hiểu về mối quan hệ giữa họ và nhãn hàng. Dù đánh giá mang tính chủ quan hay khách quan, họ vẫn có trách nhiệm công khai thông tin để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
FTC cũng lưu ý nếu một bài đăng có khả năng ảnh hưởng đến người tiêu dùng tại Mỹ, kể cả khi được thực hiện từ nước ngoài, vẫn có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật Mỹ. Đồng thời, bài đăng đó cũng có thể phải tuân thủ quy định pháp luật tại quốc gia đăng tải.
Ngoài ra, quy định của FTC được áp dụng trên mọi nền tảng truyền thông, không chỉ giới hạn ở các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram hay YouTube. Dù là blog cá nhân hay podcast, người có ảnh hưởng đều phải tuân thủ yêu cầu minh bạch trong quảng cáo.
FTC cũng phối hợp với các nền tảng số để giám sát nội dung quảng cáo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng môi trường truyền thông minh bạch, đáng tin cậy.
Trung Quốc siết nội dung quảng cáo
Tại Trung Quốc, việc sử dụng người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm cũng đang phát triển nhanh chóng.
Theo Statista, năm 2024, chi tiêu cho quảng cáo thông qua người ảnh hưởng tại Trung Quốc ước đạt gần 19,5 tỷ USD. Dự kiến trong năm nay, quy mô sẽ tăng lên khoảng 21,6 tỷ USD khi các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hình thức tiếp thị này.
Người có ảnh hưởng tham gia hoạt động quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tại Trung Quốc phải tuân thủ 2 nền tảng pháp lý là Luật Thương mại điện tử năm 2019 và Luật Quảng cáo năm 2018 (sửa đổi).
Cụ thể, Luật Quảng cáo năm 2018 (sửa đổi) cấm KOL, KOC và nhà quảng cáo sử dụng thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm khi quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Điều này đòi hỏi người có ảnh hưởng phải xác minh và đảm bảo độ chính xác của thông tin. Việc phóng đại công dụng hoặc quảng cáo quá mức có thể bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu quảng bá sản phẩm không đúng sự thật, gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, KOL, KOC có thể bị kiện, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc các mức phạt nặng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người có ảnh hưởng có thể bị đình chỉ hoạt động quảng cáo, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, luật này còn cấm quảng cáo rượu mạnh, thuốc lá và các sản phẩm có hại cho sức khỏe của trẻ em. Điều này nhằm đảm bảo chỉ quảng bá những sản phẩm có lợi và an toàn cho người tiêu dùng.
Maiqila (blogger thời trang) quảng cáo "thần thánh hóa" các thực phẩm chức năng thành thuốc chữa ung thư.
Trong khi đó, Luật Thương mại điện tử năm 2019 yêu cầu KOL, KOC phải tuân thủ các nguyên tắc minh bạch khi quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến.
Luật này quy định rõ người có sức ảnh hưởng phải công khai về việc nhận tiền hoặc hợp tác với thương hiệu khi quảng bá sản phẩm. Nếu KOL, KOC vi phạm, họ có thể bị phạt 50.000 nhân dân tệ (gần 7.000 USD). Ngoài ra, nền tảng số nơi đăng tải quảng cáo cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu không có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn.
Bên cạnh đó, người có sức ảnh hưởng tham gia hoạt động quảng cáo phải đăng ký danh tính thật, kê khai thu nhập và cam kết không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật. Đồng thời, quảng cáo qua livestream phải lưu trữ toàn bộ video trong thời gian dài và chịu hậu kiểm nghiêm ngặt.
Australia cảnh báo các thủ thuật
Còn tại Australia, báo cáo của Statista ước tính các doanh nghiệp, nhãn hàng ở quốc gia này sẽ chi gần 589 triệu USD để thuê người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm trong năm nay. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 10,38% trong giai đoạn 2025-2029, dự kiến quy mô thị trường ngành công nghiệp KOL, KOC sẽ đạt hơn 874 triệu USD vào năm 2029.
Hoạt động quảng cáo tại nước này đang có xu hướng chuyển dịch sang hợp tác với các nhóm "micro-influencer" - những người có lượng người theo dõi vừa phải nhưng mang lại tỷ lệ tương tác cao, đặc biệt hiệu quả khi tiếp cận các nhóm khách hàng ngách.
Một báo cáo năm 2023 của Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) chỉ ra thực trạng nhiều cá nhân không công khai việc được thương hiệu tài trợ hoặc đặt hàng quảng cáo, nhằm tạo ấn tượng rằng những lời khen trong bài viết là cảm nhận cá nhân, không mang yếu tố thương mại.
ACCC dẫn chứng những trường hợp như người quảng cáo gắn thẻ, đưa hình ảnh thương hiệu, sản phẩm vào bài đăng hoặc video quảng cáo; cung cấp mã giảm giá, liên kết mua hàng cho người tiêu dùng... mà không thẳng thắn thừa nhận được tài trợ.
Thậm chí, một số cá nhân quảng bá sản phẩm từ chính doanh nghiệp mà họ sở hữu hoặc có liên quan, nhưng không cung cấp thông tin rõ ràng cho người tiêu dùng.
Một thủ thuật khác thường được KOL, KOC sử dụng là đưa những cụm từ như "collab" (hợp tác), "creative partner" (đối tác sáng tạo), "ambassador" (đại sứ thương hiệu) hay các từ viết tắt như "sp", "spon", "sponcon" (được tài trợ) lồng ghép trong nội dung quảng cáo mà không giải thích cụ thể.
Hay trường hợp nhắc đến việc quảng cáo ở cuối một video dài, đoạn chú thích dài khiến người tiêu dùng phải bấm "xem thêm" mới nhìn thấy; hoặc chỉ để thông tin quảng cáo trong phần tiểu sử của tài khoản mạng xã hội mà không nêu rõ trong từng bài viết cụ thể...
ACCC cảnh báo rằng những hành vi này không chỉ vi phạm nguyên tắc minh bạch mà còn có thể bị xử lý nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, ACCC còn phát hiện trường hợp người có ảnh hưởng cung cấp thông tin không chính xác về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ trong bài đăng. Đáng lo ngại, họ tham gia vào các hoạt động như "bẫy" đăng ký hoặc tiếp thị đa cấp.
ACCC đã phân tích kỹ lưỡng những vấn đề này và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ tuân thủ và xử lý vi phạm khi cần thiết.
Thảo Liên