Các quỹ chuyên nghiệp có hiệu quả vượt trội nhà đầu tư cá nhân

Các quỹ chuyên nghiệp có hiệu quả vượt trội nhà đầu tư cá nhân
11 giờ trướcBài gốc
Hiệu suất đầu tư đối lập
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu thuộc ba nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán), thép, và bất động sản đang được các nhà đầu tư cá nhân giao dịch nhiều nhất, theo số liệu mới nhất của FiinGroup. Điều này phản ánh sự ưu tiên của nhà đầu tư cá nhân cho các mã có thanh khoản cao và khả năng tạo sóng ngắn hạn.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML), vượt trội so với tỷ trọng 74% ở nhóm vốn hóa lớn (VN30).
Trong khi đó, ở nhóm VN30, mặc dù tham gia giao dịch tích cực, tỷ lệ sở hữu thực tế của nhà đầu tư cá nhân (không tính đến nhóm cổ đông nội bộ) rất thấp (chỉ dưới 25%).
Mặc dù vậy, trong một phát biểu trước đó, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, “đến 90% giao dịch trên thị trường là lỗ” và giao dịch chứng khoán không khuyến khích nhiều đối với nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, đây là cuộc chơi của những người thật sự có thời gian, hiểu và biết rủi ro khi tham gia.
Nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh giao dịch khi VNINDEX ở vùng đỉnh và ngược lại. Ảnh: FiinGroup
Trong khi đó, nhóm các nhà đầu tư tổ chức là các quỹ được quản lý chuyên nghiệp có tỷ suất sinh lời tốt hơn so với bình diện chung của thị trường.
Ở bối cảnh hiện nay, dựa trên cơ sở dữ liệu phân tích về hiệu quả các quỹ đầu tư bao gồm các quỹ cổ phiếu, quỹ ETF và quỹ trái phiếu nội địa và có nguồn vốn nước ngoài, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, các quỹ đầu tư vẫn có mức lợi nhuận, tính theo tăng trưởng tổng tài sản (NAV), cao hơn VN-Index và các chỉ số mà họ dùng làm cơ sở so sánh.
Đơn cử, top 20 quỹ cổ phiếu lớn nhất đã ghi nhận tăng trưởng NAV bình quân 18,93% trong khi VNIndex tăng 10,61% từ đầu năm nay đến ngày 3/12. Nếu rà soát một giai đoạn dài hơn, 5 hay 10 năm, thì kết quả cũng tương tự.
Vẫn có quỹ có kết quả thấp hơn hoặc biến động lớn hơn. Kể cả các quỹ ETF với mục tiêu là “dõi theo” chỉ số vẫn có tăng trưởng NAV cao hơn, nếu tính trên top 20 quỹ lớn nhất.
Điều này cho thấy, có dư địa để phát triển nhà đầu tư tổ chức là các quỹ đầu tư nội địa hơn nữa và làm cơ sở để một phần thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân cũng như các định chế tổ chức khác trong nước tham gia vào các quỹ được quản lý chuyên nghiệp, có năng lực được kiểm chứng và trong một thời gian dài.
Tuy vậy, ông Thuân cũng nhấn mạnh việc tìm hiểu và đánh giá chọn quỹ đầu tư nào để “gửi gắm” là việc rất khó đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ và cá nhân.
Lý do là, cũng như việc đánh giá đầu tư, "chúng ta không chỉ nhìn vào tăng trưởng NAV mà quan trọng không kém đó là rủi ro – được thể hiện qua việc biến động và khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững của các quỹ", ông Thuân nói. "Do đó, các hoạt động nhằm đánh giá và xếp hạng các quỹ, công ty quản lý quỹ là một việc rất cần thiết để làm cơ sở và tiền đề cho sự minh bạch ngành quản lý quỹ và giúp ngành này phát triển".
Hoàn thiện giải pháp chính sách thị trường
Bên cạnh thông tin về thực trạng đầu tư trên thị trường, FiinGroup cũng cung cấp một số đánh giá cùng những gợi mở về giải pháp chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán.
Trước tiên, FiinGroup cho rằng, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa cho thị trường. Trong đó, ở thị trường cổ phiếu, cần đẩy mạnh giảm sở hữu nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát.
Thêm nữa, cần khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch và tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.
Ở thị trường trái phiếu, FiinGroup cho rằng, cần tiếp tục chuẩn hóa và cải thiện minh bạch thông tin, đa dạng hóa hàng hóa, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm.
Tổ chức này cũng nhấn mạnh việc bổ sung cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội và bền vững, đồng thời phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào thị trường TPDN. Qua đó tạo tiền đề cho việc đầu tư “đa kênh” tài sản của các quỹ.
Theo thống kê của FiinRatings, có 18 lô phát hành trái phiếu xanh cho giai đoạn 2018-2023 và riêng trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận bốn giao dịch trái phiếu xanh được phát hành với tổng giá trị 6.870 tỷ đồng có xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn xanh quốc tế.
Trên thực tế, các công ty quản lý quỹ trong nước và quốc tế đều đang mở rộng quản lý tài sản đa kênh. Các định chế quốc tế tham gia vào Việt Nam cũng mong muốn có sự tham gia vào cả kênh cổ phiếu, TPDN và có thể trong tương lai là trái phiếu chính phủ.
Do đó, việc rà soát và mở rộng những hạn chế đầu tư và phân bổ tài sản là việc làm cần thiết bên cạnh các giải pháp và quy định mới nhằm cải thiện minh bạch thông tin và chất lượng TPDN.
Đặc biệt, đối với ngành bảo hiểm, hiện đang quản lý tổng cộng hơn 90 tỷ USD (tính cả bảo hiểm xã hội Việt Nam), thì sự tham gia và phân bổ vào TPDN vẫn còn rất hạn chế và vẫn áp dụng khung quản trị rủi ro theo khung biên an toàn, do đó cần đẩy mạnh việc áp dụng chế độ kiểm soát vốn trên cơ sở rủi ro.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/cac-quy-chuyen-nghiep-co-hieu-qua-vuot-troi-nha-dau-tu-ca-nhan-d38418.html