Các sắc lệnh của ông Trump sẽ ảnh hưởng gì tới lĩnh vực năng lượng toàn cầu? Ảnh AP
“Việc chú trọng tăng cường khai thác nhiên liệu hóa thạch nội địa sẽ thúc đẩy sản lượng dầu khí tại Mỹ, mang lại lợi ích kinh tế tức thời cho ngành dầu khí thông qua việc giảm các rào cản pháp lý và đơn giản hóa quy trình cấp phép”, các nhà phân tích của BMI nhận định trong báo cáo.
“Chúng tôi dự báo rằng các sắc lệnh này sẽ làm tăng mức tiêu thụ dầu khí tại Mỹ, do sản lượng trong nước trở nên sẵn có hơn và khả năng cạnh tranh về giá cao hơn”, họ bổ sung.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng việc tập trung mạnh mẽ vào nhiên liệu hóa thạch sẽ gây rủi ro đối với các mục tiêu khí hậu dài hạn của Mỹ.
“Bằng cách ưu tiên cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch và gỡ bỏ các hạn chế, các sắc lệnh này có thể làm chậm lại quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ sang các nguồn năng lượng tái tạo”, báo cáo nhấn mạnh.
“Hơn nữa, việc đình chỉ cấp phép phát triển điện gió ngoài khơi đã đặt ra rào cản đối với phát triển năng lượng gió, tạo nên một bước thụt lùi đáng kể cho lĩnh vực năng lượng tái tạo của Mỹ”, các nhà phân tích nhận định.
“Các dự án điện gió ngoài khơi – vốn đang dần trở thành nền tảng trong chiến lược năng lượng sạch – có thể đối mặt với sự trì hoãn đáng kể hoặc bị hủy bỏ. Những gián đoạn như vậy có thể cản trở tiến trình đa dạng hóa nguồn năng lượng và đạt được các mục tiêu giảm phát thải, ảnh hưởng đến cả kết quả môi trường và năng lực cạnh tranh của ngành năng lượng tái tạo Mỹ”, họ cho biết thêm.
Ngoài ra, sự bất ổn về hỗ trợ pháp lý đối với năng lượng tái tạo có thể khiến các nhà đầu tư và nhà phát triển nản lòng, dẫn đến việc trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án đã lên kế hoạch.
Các nhà phân tích BMI cũng chỉ ra rằng lập trường của Mỹ có thể làm nản chí các thị trường khác trong việc theo đuổi hoặc nâng cao các mục tiêu khí hậu của họ.
“Điều này có thể làm đình trệ các cuộc đàm phán và hợp tác khí hậu quốc tế, làm suy yếu những nỗ lực tập thể nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu và đạt được các mục tiêu khí hậu của Liên Hợp Quốc”, họ nhấn mạnh.
“Sự gia tăng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, được hỗ trợ bởi khả năng khai thác mở rộng, có thể làm giảm chi phí nhiên liệu, làm thay đổi cơ cấu năng lượng toàn cầu theo hướng phát thải cao hơn. Điều này có thể làm suy giảm những tiến bộ mà các quốc gia khác đã đạt được trong việc giảm dấu chân carbon và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn”, các nhà phân tích nhận xét.
“Vị thế thống trị của Mỹ trên thị trường năng lượng toàn cầu, được thúc đẩy bởi sự gia tăng xuất khẩu, có thể ảnh hưởng đến giá năng lượng và động lực cung ứng, làm tăng sự sẵn có của nhiên liệu hóa thạch giá rẻ, từ đó thúc đẩy sức hấp dẫn và mức tiêu thụ dầu khí”, họ tiếp tục.
Các nhà phân tích của BMI kết luận rằng điều này “sẽ khiến nhiên liệu hóa thạch tiếp tục được sử dụng trong nhiều năm và làm chậm quá trình chuyển đổi sang các giải pháp thay thế”.
“Hơn nữa, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris đã làm suy yếu hợp tác quốc tế về hành động khí hậu và làm giảm đầu tư khí hậu thông qua việc giảm tài trợ khí hậu của Mỹ trên phạm vi toàn cầu”, họ bổ sung.
Các nhà phân tích của BMI nhận định rằng tác động của các sắc lệnh hành pháp sẽ phụ thuộc nhiều vào cách triển khai và các thách thức pháp lý có thể xảy ra.
“Các sắc lệnh này có thể đối mặt với các thách thức pháp lý, đặc biệt nếu chúng bị cho là vượt quá thẩm quyền của Tổng thống hoặc mâu thuẫn với các luật và quy định môi trường hiện hành”, các nhà phân tích cho biết.
“Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng rằng các sắc lệnh này sẽ bị tòa án Mỹ bác bỏ”, họ nhấn mạnh.
Trong một báo cáo do ông Paul Horsnell, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa của Ngân hàng Standard Chartered, gửi đến AFP vào thứ Ba tuần này, các nhà phân tích tại ngân hàng này, bao gồm cả ông Horsnell, cho biết: “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ điều gì gây ngạc nhiên lớn trong chính sách dầu khí của chính quyền mới, ngoại trừ mức độ mà các chính sách này được đặt làm trung tâm cốt lõi của toàn bộ chương trình”.
“Chúng tôi khá ngạc nhiên khi cam kết bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) lại bao gồm cụm từ “đầy đến đỉnh”; chúng tôi đã kỳ vọng một định nghĩa ít rõ ràng hơn về mục tiêu, ngay cả khi khung thời gian để thực hiện vẫn chưa được xác định”, họ bổ sung.
“Do những chậm trễ liên quan (ngay cả khi không có thách thức pháp lý nào), chúng tôi không nghĩ rằng việc nới lỏng lệnh cấm khai thác dầu liên bang sẽ góp phần tăng nguồn cung trong vòng 5 năm tới, và chúng tôi dự báo mọi quyết định gia tăng trong khai thác ngắn hạn sẽ chỉ ở mức khiêm tốn, trừ khi giá dầu tăng cao hơn”, các nhà phân tích tiếp tục.
“Mặc dù chúng tôi cho rằng sản lượng năng lượng của Mỹ sẽ tăng đáng kể trong nhiệm kỳ của chính quyền Trump, chúng tôi kỳ vọng phần lớn nguồn cung tăng thêm sẽ là khí đốt”, các nhà phân tích của Standard Chartered Bank nhận định trong báo cáo.
Nhóm chuyển tiếp của ông Trump và Nhà Trắng đều đã từ chối bình luận về các báo cáo của BMI và Standard Chartered Bank.
Nh.Thạch
AFP