Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: S.H
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân 10 tháng năm 2024 của tỉnh thực hiện khá hơn so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 với số vốn 2.517,357 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/10/2024, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 của tỉnh khoảng 1.441,334 tỉ đồng, đạt 57,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao và đạt 61,2% kế hoạch thực tế tỉnh triển khai thực hiện.
Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 520,769 tỉ đồng. Đến ngày 31/10/2024, giải ngân 298,254 tỉ đồng, đạt 57,3% kế hoạch.
Trên cơ sở báo cáo giải trình và cam kết giải ngân đảm bảo quy định của các chủ đầu tư, UBND tỉnh đã xem xét không báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện điều chuyển kế hoạch 2024 đợt 30/9/2024 đối với 35 dự án không đảm bảo tỉ lệ giải ngân theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 10/1/2024 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10/2024 vẫn còn 32 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới mức quy định tại thời điểm 30/9/2024. Trong đó, có 20 dự án không thực hiện giải ngân thêm của 6 sở, ngành và 7 địa phương.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương là: Nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý được HĐND tỉnh giao là 335 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31/10/2024, số thu nộp ngân sách là 172 tỉ đồng, đạt 51% kế hoạch... dẫn đến nhiều công trình chưa có nguồn vốn để nhập dự toán, triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch.
Kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Trị còn thấp đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện của các dự án cũng như không thể giải ngân kế hoạch vốn đối ứng được tỉnh bố trí.
Các dự án được bố trí từ các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu là các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô nhỏ nên chỉ tổ chức nghiệm thu khi công trình hoàn thành và thực hiện thủ tục giải ngân kế hoạch.
Công tác thẩm định hồ sơ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, từ thẩm định dự án, thiết kế bản vẽ thi công đến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, PCCC còn kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của nhiều dự án.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và thủ tục phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất vẫn còn vướng mắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, xác định vai trò, ý nghĩa rất quan trọng của triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Phân công lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Thường xuyên tổ chức các phiên họp chuyên đề, giao ban, kiểm tra thực địa để nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; ban hành nhiều văn bản điều hành cụ thể, rõ ràng, quyết liệt.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ hàng tháng công bố tỉ lệ giải ngân và đôn đốc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần tập trung nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Các chủ đầu tư tăng cường bám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu và giải quyết trực tiếp, cụ thể từng vấn đề khó khăn, vướng mắc. Công bố các địa phương, đơn vị thực hiện tốt tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên phương tiện thông tin đại chúng. Những tháng còn lại của năm 2024, các sở, ngành, địa phương cần có giải pháp căn cơ để vừa đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, vừa đảm bảo chất lượng các công trình.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2024. Lưu ý đẩy nhanh tiến độ đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, chủ động phối hợp với các địa phương để xác định các điểm nghẽn; phối hợp với các sở, ban, ngành kiến nghị với UBND tỉnh, các bộ, ngành trung ương để có hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được bố trí nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sỹ Hoàng