Các công ty phương Tây đã bán hoặc từ bỏ tài sản năng lượng của họ tại Nga, trong khi châu Âu tiếp quản một số đơn vị của các tập đoàn năng lượng Nga. Ảnh AFP
Mỹ đã đạt được thỏa thuận riêng với Ukraine và Nga vào thứ Ba tuần này nhằm chấm dứt các cuộc tấn công trên biển và vào các cơ sở năng lượng của hai nước. Washington cũng đồng ý dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu chính của Moscow. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, phương Tây đã siết chặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, Washington cũng công bố vòng trừng phạt mạnh tay nhất vào ngày 10/1.
Các công ty phương Tây đã bán hoặc từ bỏ tài sản năng lượng của họ tại Nga, trong khi Chính phủ châu Âu tiếp quản một số đơn vị của các tập đoàn năng lượng Nga. Đáp trả, Moscow cũng có những động thái trừng phạt đối với các công ty phương Tây hoạt động tại Nga.
Dưới đây là một số tài sản năng lượng và công ty bị ảnh hưởng:
Dự án dầu khí Sakhalin-1
Tập đoàn Exxon Mobil từng nắm giữ 30% cổ phần điều hành tại dự án dầu khí ngoài khơi đảo Sakhalin. Các đối tác khác bao gồm Rosneft (Nga), ONGC Videsh (Ấn Độ) và SODECO (Nhật Bản). Năm 2022, Exxon đã ghi nhận khoản lỗ 4,6 tỷ USD do rút khỏi dự án này.
Tháng 12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh kéo dài thời hạn bán cổ phần của Exxon tại Sakhalin-1 đến ngày 1/1/2026, do chưa có bên nào nhận mua.
Dự án dầu khí Sakhalin-2
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom đã mua lại 27,5% cổ phần của Shell trong công ty khai thác khí hóa lỏng (LNG) Sakhalin Energy vào năm 2024 với giá khoảng 1 tỷ USD.
Trước đó, Nga kiện Shell với cáo buộc chưa thanh toán đầy đủ tiền mua khí vào năm 2022. Văn phòng công tố Nga yêu cầu Shell trả 1,5 tỷ euro cho Gazprom. Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Hiện tại, Gazprom sở hữu gần 77,5% cổ phần tại công ty vận hành dự án Sakhalin-2. Các cổ đông khác gồm Mitsui (12,5%) và Mitsubishi (10%) của Nhật Bản.
Dự án dầu Salym
Năm 2023, Shell đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần của họ trong dự án dầu Salym cho đối tác Nga Gazprom Neft. Trước đó, vào năm 2022, Shell đã ghi nhận khoản lỗ 233 triệu USD khi rút khỏi dự án này. Shell cũng đã bán lại mảng kinh doanh bán lẻ và dầu nhờn tại Nga cho tập đoàn Lukoil vào năm 2022.
Các công ty phương Tây tại Nga
Uniper
Tháng 4/2023, chính quyền Nga đã đưa Unipro, chi nhánh của tập đoàn điện lực Đức Uniper, vào diện kiểm soát của Moscow. Được biết, Unipro sở hữu 5 nhà máy điện tại Nga.
Fortum
Nga cũng áp dụng biện pháp tương tự với Fortum, chi nhánh của tập đoàn Phần Lan, vốn sở hữu 7 nhà máy nhiệt điện ở khu vực Ural và Tây Siberia, cùng danh mục điện gió và điện mặt trời hợp tác với đối tác địa phương.
Tính đến cuối năm 2022, giá trị sổ sách của các tài sản này là 1,7 tỷ euro (tương đương 1,87 tỷ USD)
BP
BP vẫn giữ 19,75% cổ phần trong tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Đến tháng 11/2024, CEO BP Murray Auchinclos cho biết công ty vẫn đang tìm cách bán số cổ phần này.
Trong giai đoạn 2020-2021, các nhà giao dịch hàng hóa lớn như Trafigura, Vitol và Mercantile đã tham gia dự án dầu mỏ trọng điểm Vostok Oil của Rosneft, dự kiến đạt 2 triệu thùng/ngày vào năm 2030, nhưng đã rút lui sau tháng 2/2022.
Wintershall Dea
Theo sắc lệnh của Nga vào tháng 12/2023, các cổ phần của Wintershall Dea tại mỏ dầu khí Yuzhno-Russkoye và các dự án khí đốt Achimov sẽ được chuyển sang một công ty Nga và sau đó rao bán cho Gazovyye Tekhnologii. Điều này chính thức xác nhận việc BASF và Wintershall Dea rút khỏi các tài sản này.
OMV
Tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu chuyển nhượng cổ phần của tập đoàn dầu khí OMV (Áo) trong các dự án tại Nga. OMV từng chi 1,75 tỷ euro vào năm 2017 để mua cổ phần tại mỏ Yuzhno-Russkoye, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga, với kỳ vọng bổ sung 100.000 thùng dầu tương đương/ngày vào sản lượng khai thác của tập đoàn.
Các công ty Nga tại phương Tây
Gazprom
Năm 2022, Đức đã quốc hữu hóa Gazprom Germania, chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, sau khi Gazprom bất ngờ rút khỏi mà không đưa ra lời giải thích nào. Công ty này sau đó được đổi tên thành Sefe (Securing Energy for Europe) và nhận 6,3 tỷ euro (6,92 tỷ USD) vốn tái cấp từ Chính phủ Đức với sự phê duyệt của Ủy ban châu Âu (EC).
Rosneft
Năm 2022, Đức đã đưa hai chi nhánh của Rosneft tại nước này – Rosneft Deutschland GmbH và RN Refining & Marketing GmbH – vào diện quản lý ủy thác. Theo cơ chế này, Đức đã kiểm soát cổ phần của Rosneft tại ba nhà máy lọc dầu: 54,17% cổ phần tại PCK Schwedt, 24% tại MiRO, 28,57% tại Bayernoil.
Về mặt pháp lý, Rosneft vẫn là chủ sở hữu các tài sản này, nhưng không có quyền kiểm soát miễn là cơ chế ủy thác vẫn còn hiệu lực.
Lukoil
Lukoil, nhà khai thác dầu lớn thứ hai của Nga, đang lên kế hoạch huy động khoảng 2 tỷ USD từ việc bán nhà máy lọc dầu Burgas tại Bulgaria.
Nh.Thạch
AFP