Từ ngày 03 - 04/4/2025, Ủy ban Quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức phiên họp thường kỳ tại Geneva, Thụy Sỹ.
Đoàn Việt Nam tham dự có ông Phạm Quang Huy - Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva; bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cán bộ Đoàn công tác Việt Nam và cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp thường kỳ Ủy ban Quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tại phiên họp, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin cập nhật về việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên WTO.
Trong đó nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong triển khai các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, đồng thời giới thiệu hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), bao gồm Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 và Thông tư số 44/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Việt Nam cung cấp thông tin cập nhật về việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên WTO.
Các nước thành viên WTO đánh giá cao vai trò chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên và tăng cường tính minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định của WTO. Đồng thời ghi nhận hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tổ chức cấp C/O và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, minh bạch các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Với cơ chế quản lý hiệu quả, chính sách rõ ràng, công tác phối hợp chặt chẽ, Việt Nam khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với các nước thành viên WTO trong công tác xác minh xuất xứ và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về chứng nhận xuất xứ. Trong thời gian tới, Việt Nam hướng đến triển khai cơ chế trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử với một số nước nhập khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan và nâng cao hiệu quả kiểm tra xuất xứ.
Các nước thành viên WTO ghi nhận hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tổ chức cấp C/O và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, minh bạch các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Các nước thành viên WTO đánh giá tích cực đối với cách thức Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa, đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế.
Phiên họp diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ủy ban Quy tắc xuất xứ WTO ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam, đồng thời khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc củng cố vị thế quốc gia, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thành viên WTO và thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế, hướng tới thương mại công bằng và hiệu quả.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chính là “giấy thông hành” giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường nước ngoài, đồng thời là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa bên thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi bất chính.
Thông tin tại Hội nghị chuyên đề về xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tổ chức cuối tháng 12/2024 cho biết, số lượng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm; năm 2024 ước tăng 18% so với năm 2023.
Thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức cấp C/O đã triển khai tốt công tác quản lý, thực hiện quy định về xuất xứ hàng hóa như: triển khai mở rộng quy trình cấp C/O dưới dạng điện tử và truyền dữ liệu C/O điện tử sang các nước ASEAN và Hàn Quốc theo cam kết, thỏa thuận quốc tế; hợp tác xác minh xuất xứ với nước nhập khẩu; áp dụng thu phí C/O; rà soát công tác cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O theo tinh thần của Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác nhà nước về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; tham vấn ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị cho việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa...
Việt Hằng