Đau xơ cơ là một rối loạn gây ra bởi sự tác động từ bộ não tới việc xử lý tín hiệu đau. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng đau, chứng quá mẫn cảm với các kích thích cảm giác, sương mù não, đau đầu, đau thái dương hàm và các triệu chứng tiêu hóa… Đau xơ cơ có thể khiến người bệnh đau, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trí nhớ và khó tập trung.
Hiện tại, không có một phương pháp điều trị đau xơ cơ hiệu quả. Các phương pháp điều trị chủ yếu làm giảm thiểu các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm: Thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc.
1. Thuốc trị đau xơ cơ
Việc sử dụng thuốc có thể giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân đau xơ cơ.
Đau xơ cơ khiến người bệnh đau đớn và mệt mỏi.
Các lựa chọn thuốc bao gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (tylenol), ibuprofen (advil, motrin IB…) hoặc naproxen sodium (aleve) được dùng giảm các triệu chứng đau do bệnh đau xơ cơ. Thuốc opioid không được khuyến khích vì nhóm thuốc này có thể gây các tác dụng phụ, tình trạng phụ thuộc thuốc và làm tăng cơn đau theo thời gian.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc duloxetine (cymbalta) và milnacipran (savella) có thể giúp làm dịu cơn đau và sự mệt mỏi liên quan đến đau xơ cơ. Ngoài ra, có thể dùng amitriptyline hoặc thuốc giãn cơ cyclobenzaprine để giúp thúc đẩy giấc ngủ.
- Thuốc chống co giậtđược dùng để điều trị bệnh động kinh thường cũng có tác dụng làm giảm một số loại đau. Pregabalin (lyrica) là loại thuốc đầu tiên được Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị đau xơ cơ. Ngoài ra, có thể dùng gabapentin để giảm các triệu chứng của bệnh.
Việc sử dụng thuốc có thể giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân đau xơ cơ.
2. Các biện pháp không dùng thuốc
Việc chủ động quản lý các yếu tố lối sống là bước quan trọng nhất có thể thực hiện để giảm các triệu chứng đau xơ cơ.
- Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt và sức bền của người bệnh. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm các triệu chứng tê bì của đau xơ cơ. Tập thể dục giúp nới lỏng, thư giãn và tăng cường sức mạnh cho cơ và khớp.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể giúp đối phó với các triệu chứng này bằng cách thay đổi suy nghĩ và biến đổi trải nghiệm của người bệnh.
- Nên nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đặc biệt quan trọng với người đau xơ cơ. Nếu không ngủ đủ giấc, độ nhạy cảm càng tăng cao khiến người bệnh cảm nhận cơn đau nhiều hơn. Do đó, người bệnh nên ngủ 7-8 giờ mỗi đêm.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần và cảm xúc: Thiền định, hít thở sâu và thực hành chánh niệm, có thể giúp đối phó với chứng dị cảm.
3. Lưu ý khi điều trị đau xơ cơ
Để đảm bảo điều trị an toàn, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, cần thực hiện:
- Không tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
- Tái khám theo lịch hẹn.
- Kiểm soát căng thẳng tốt nhất có thể.
- Thực hiện chế độ ăn và tập thể dục phù hợp với sức khỏe.
- Ngủ đủ giấc và thực hành thói quen ngủ lành mạnh.
- Cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị hoặc để điều chỉnh thuốc nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc.
- Đi khám ngay khi có các triệu chứng mới như đau, mệt mỏi hoặc thay đổi về sức khỏe tâm thần, bao gồm: Trầm cảm hoặc có ý định tự tử, đau đầu, có vấn đề về trí nhớ, rối loạn giấc ngủ…