1. Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính (kéo dài) chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp, như cổ tay, bàn tay, bàn chân, cột sống, đầu gối...
NỘI DUNG:
1. Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
2. Ai dễ mắc viêm khớp dạng thấp?
3. Một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
3.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trị viêm khớp dạng thấp
3.2 Thuốc corticosteroid
3.3 Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi tiến trình bệnh (DMARDS)
3.4 Thuốc giảm đau
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc
Các triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp bao gồm:
Đau khớp khi nghỉ và khi di chuyển, cùng với đau khi ấn, sưng và ấm khu vực khớp.
Cứng khớp kéo dài hơn 30 phút.
Cảm thấy mệt bất thường hoặc thiếu năng lượng.
Thỉnh thoảng sốt.
Chán ăn...
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, nhưng phổ biến hơn ở cổ tay, bàn tay và bàn chân. Ở một số người, viêm khớp dạng thấp bắt đầu chậm, chỉ ảnh hưởng một số khớp. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc các biện pháp điều trị không hiệu quả, viêm khớp dạng thấp có thể trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng nhiều khớp hơn. Điều này có thể dẫn đến nhiều tổn thương hơn và có thể dẫn đến khuyết tật.
Đôi khi, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên trầm trọng hơn theo các "cơn phát bệnh" do tác nhân kích thích như:
Căng thẳng.
Hoạt động quá nhiều.
Ngừng dùng thuốc đột ngột...
Viêm khớp dạng thấp có thể gây biến dạng bàn tay…
Viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi bất thường, thỉnh thoảng bị sốt và mất cảm giác thèm ăn. Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác trong tim, phổi, máu, thần kinh, mắt và da…
2. Ai dễ mắc viêm khớp dạng thấp?
Có những yếu tố rủi ro nhất định làm tăng khả năng dễ mắc viêm khớp dạng thấp hơn.
Các yếu tố này bao gồm:
Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên, tuổi cao làm tăng nguy cơ này.
Giới tính: Viêm khớp dạng thấp phổ biến hơn ở nữ giới so với ở nam giới.
Tiền sử gia đình: Nếu một thành viên trong gia đình mắc viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ có khả năng dễ mắc bệnh hơn.
Hút thuốc: Người hút thuốc trong thời gian dài có rủi ro gia tăng bị mắc viêm khớp dạng thấp.
Béo phì: Béo phì có thể làm tăng rủi ro khiến bạn bị mắc bệnh cũng như giới hạn mức độ có thể cải thiện bệnh.
Bệnh về nướu…
Mục đích của điều trị viêm khớp dạng thấp (RA) là kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp, tối đa hóa chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động của người bệnh. Các phương pháp điều trị thường bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc tập thể dục và phẫu thuật để điều chỉnh tổn thương khớp khi ở mức độ nặng hơn.
3. Một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Thuốc là nền tảng của việc điều trị khi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp (RA) đang hoạt động. Có ba nhóm thuốc chung thường được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, đó là: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid và thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh (DMARD).
3.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trị viêm khớp dạng thấp
Tác dụng: Thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng viêm cấp tính do đó làm giảm đau và cải thiện chức năng. Tất cả các loại thuốc này cũng có đặc tính giảm đau từ nhẹ đến trung bình, không phụ thuộc vào tác dụng chống viêm của chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các loại thuốc này không làm thay đổi tiến trình của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc ngăn ngừa sự phá hủy khớp.
Một số thuốc thường dùng như: Aspirin, ibuprofen, naproxen, meloxicam, diclofenac, indomethacin…
Tác dụng phụ: Độc tính phổ biến nhất của NSAID là rối loạn tiêu hóa có thể bao gồm nóng rát, ợ hơi hoặc kích ứng, nhưng có thể biểu hiện kích ứng niêm mạc dạ dày, xói mòn và thậm chí loét có thể dẫn đến chảy máu. Mặc dù uống thuốc cùng thức ăn có thể khắc phục một số triệu chứng này, nhưng điều này không làm giảm nguy cơ chảy máu. Việc dùng đồng thời với thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole, esomeprazole hay misoprostol có thể làm giảm chảy máu tiêu hóa liên quan đến các loại thuốc này.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi được kê đơn dung thuốc.
3.2 Thuốc corticosteroid
Tác dụng: Corticosteroid như prednisone, triamcinolone, methylprednisolone… có cả hoạt tính chống viêm và điều hòa miễn dịch. Chúng có thể được dùng bằng đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc có thể tiêm trực tiếp vào khớp.
Corticosteroid hữu ích trong giai đoạn đầu của bệnh như liệu pháp bổ sung tạm thời trong khi chờ thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh (DMARD) phát huy tác dụng chống viêm của chúng. Corticosteroid cũng hữu ích như liệu pháp bổ sung mạn tính ở những bệnh nhân mắc bệnh nặng không được kiểm soát tốt bằng NSAID và DMARD.
Tác dụng phụ: Tăng cân và biểu hiện giống hội chứng Cushing (tăng tích tụ mỡ quanh mặt, má đỏ, phát triển "bướu trâu" trên cổ) là vấn đề thường gặp. Các tác dụng phụ khác của bao gồm tăng cân, tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, nguy cơ loãng xương, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể…
Các bisphosphonate như alendronate được khuyến cáo để ngăn ngừa và/hoặc điều trị loãng xương ngoài việc bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ để khắc phục loãng xương do thuốc.
3.3 Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi tiến trình bệnh (DMARDS)
Tác dụng: Mặc dù cả NSAID và thuốc DMARD đều cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp đang hoạt động, nhưng chỉ có thuốc DMARD mới được chứng minh là làm thay đổi tiến trình bệnh và cải thiện kết quả chụp X quang.
Thuốc DMARD có tác dụng chậm hơn và trong hầu hết các trường hợp, khi chẩn đoán viêm khớp dạng thấp được xác nhận, nên bắt đầu dùng thuốc DMARD.
Một số thuốc thường dùng như: Methotrexate, hydroxychloroquine, azathioprine, rituximab…
Tác dụng phụ: Mỗi thuốc lại có các tác dụng phụ và độc tính khác nhau, nên khi dùng người bệnh cần đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng. Ví dụ, viêm -loét miệng, rụng tóc nhẹ, rối loạn tiêu hóa… có thể xảy ra với methotrexate và liên quan đến đối kháng axit folic. Những tác dụng phụ này có thể được cải thiện bằng cách bổ sung axit folic. Những biến chứng nghiêm trọng nhất của liệu pháp methotrexate như xơ gan, viêm phổi kẽ và suy tủy nặng khá hiếm, đặc biệt là khi được theo dõi đúng cách. Đối với hydroxychloroquine, độc tính quan trọng nhất là ở mắt (lắng đọng giác mạc, yếu cơ ngoại nhãn, mất khả năng điều tiết và nhạy cảm với ánh sáng)…
3.4 Thuốc giảm đau
Đau do viêm được điều trị tốt nhất bằng thuốc chống viêm (ở trên). Tuy nhiên đôi khi việc bổ sung thuốc giảm đau như acetaminophen (paraceamol) có thể hữu ích.
Việc sử dụng thuốc giảm đau opioid như codeine, oxycodone, hydrocodone và tramadol thường không được khuyến khích, vì chúng cũng không có tác dụng chống viêm, trong khi đó thuốc lại có nguy cơ phụ thuộc và nghiện (do bản chất của viêm khớp dạng thấp là kéo dài). Tuy nhiên, điều trị bằng opioid tác dụng kéo dài có thể được cân nhắc cho những người bị viêm khớp dạng thấp giai đoạn cuối, tổn thương khớp nghiêm trọng không thể phẫu thuật thay khớp và chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ thấp khớp hoặc bác sĩ chuyên khoa về đau.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Hầu như tất cả những người bị viêm khớp dạng thấp (RA) đều cần một số loại thuốc để kiểm soát bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định về liều lượng, thời gian dùng thuốc của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay ngừng thuốc khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Tác dụng phụ: Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều có nguy cơ gây tác dụng phụ, có thể từ nhẹ (không cần ngừng thuốc) đến nặng (cần ngừng thuốc và khắc phục hậu quả). Theo đó, khi gặp bất thường trong quá trình điều trị người bệnh cần thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp. Người bệnh có thể cần dùng thêm một số thuốc để khắc phục tác dụng phụ của thuốc.
- Tương tác thuốc: Để phòng ngừa tương tác thuốc bất lợi, người bệnh không nên tự ý dùng thêm thuốc, thực phẩm bổ sung… khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm:
DS. Nguyễn Thu Hoàng