Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc phải quyết liệt, bứt phá về kinh tế

Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc phải quyết liệt, bứt phá về kinh tế
4 giờ trướcBài gốc
Vùng trung du và miền núi phía Bắc có 14 tỉnh, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về dân tộc, quốc phòng, an ninh, có đường biên giới với Trung Quốc và Lào. Dù bối cảnh quốc tế, trong nước không thuận lợi, đặc biệt là thiệt hại về lũ lụt sau cơn bão số 3 vừa qua, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả tích cực như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc phải quyết liệt tăng tốc, bứt phá về kinh tế - Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc, ngày 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, năm 2024, tăng trưởng GRDP của vùng ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước. Trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,85%), Phú Thọ (9,53%), Tuyên Quang (9,04%). Thu ngân sách nhà nước toàn vùng năm 2024 khoảng 89,243 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), góp phần cùng cả nước vượt thu ngân sách khoảng 300 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu (đến hết tháng 11/2024) đạt trên 72 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu các khó khăn của vùng như: Số xã đạt chuẩn nông thôn mới quốc gia của toàn vùng là 1.043 xã, đạt tỉ lệ khoảng 51,8%, thấp nhất so với các vùng của cả nước (bình quân cả nước đạt khoảng 78%); tỉ lệ nghèo đa chiều của vùng giảm khá nhưng vẫn ở mức cao nhất cả nước với 15,1% (trong đó tỉ lệ nghèo và cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, ở mức 29,6%); tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 480 nghìn hộ.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh phải đổi mới tư duy, có cách làm mới để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới đất nước phải phát triển nhanh, toàn diện, thời kỳ của chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh,... Do đó, các tỉnh trong vùng phải nhận định rõ khó khăn, vướng mắc, tiềm năng của vùng để có giải pháp khắc phục, triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo đó, để đánh thức các tiềm năng, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong vùng phải quyết liệt tăng tốc, bứt phá, tạo quy mô kinh tế cao; dồn lực tập trung phát triển các dự án trọng điểm của tỉnh, của vùng và liên vùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển giao thông.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng gợi mở các tỉnh đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp gắn với kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược và xây dựng vùng nguyên liệu trọng điểm. Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, gắn với phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để xóa đói, giảm nghèo.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh trong vùng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc; tiển khai các giải pháp cảnh báo, phòng vệ chủ động để ứng phó sạt lở, mưa lũ. Đồng thời cần có chính sách đặc thù cả về phân cấp, phân quyền, tăng nguồn lực cho vùng trũng về mặt kinh tế.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cac-tinh-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-phai-quyet-liet-but-pha-ve-kinh-te-364962.html