Tác giả: Maria Angela Falà
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://atlasminorityrights.eu
Sự hiện diện của Phật giáo ở châu Âu (Buddhism in Europe) là ổn định, khoảng ba triệu người theo các truyền thống chính của Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) và Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism).
Không dễ để xác định con số thực tế vì không có sổ đăng ký chính thức, ngoại trừ Áo và Na Uy. Các quốc gia có số lượng người hành trì, thực hành các phương pháp tu tập hàng ngày cao nhất là Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp, cũng do quá khứ thuộc địa và làn sóng nhập cư sau đó từ các quốc gia Phật giáo châu Á, tiếp theo là Nga, Đức và Ý. Quốc gia Phật giáo duy nhất ở châu Âu là Cộng hòa Kalmykia ở phần châu Âu của Liên bang Nga, ở rìa cực Đông của lục địa.
Cộng đồng người Châu Á chủ yếu họp tại các trung tâm dân tộc địa phương, trong khi những người học Phật pháp ở châu Âu thích tham dự các trung tâm liên kết với các mạng lưới quốc tế dưới sự hướng dẫn tâm linh của các bậc thầy châu Á, chẳng hạn như Hiệp hội bảo tồn truyền thống Phật giáo đại thừa (FPMT), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận do Lạt Ma Thubten Yeshe (1935-1984) thành lập vào năm 1975, Tăng đoàn Phật giáo Rigpa Châu Âu, Tăng đoàn Phật giáo Dachang Rimé, một cộng đồng hỗn hợp gồm các hành giả theo truyền thống của Đức Phật và được thành lập vào năm 1979, Tăng đoàn Phật giáo Shambala Châu Âu, Cộng đồng Phật giáo Dzogchen, Tăng đoàn Phật giáo Forest Sangha, Tăng thân Phật giáo Làng Mai, Soka Gakkai International (SGI), một tổ chức Phật giáo quốc tế thuộc tông phái Nichiren do Daisaku Ikeda thành lập năm 1975, và Hiệp hội Thiền quốc tế. Nhiều trung tâm Thiền phái Tào Động (Sōtō-Shū), Liên đoàn Thiền phái Tào Động Phật giáo Nhật Bản có trụ sở tại Paris.
Sự hiện diện của các Liên đoàn Phật giáo các quốc gia đang gia tăng, họ có xu hướng tự coi mình là tiếng nói Phật giáo mà các chính phủ hướng đến để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc phụng sự những giá trị tâm linh, nơi thực hành, hỗ trợ tinh thần và mọi thứ liên quan đến các khía cạnh khác nhau của truyền thống đạo Phật. Nhìn chung, các Liên đoàn Phật giáo tập hợp các hiệp hội cộng đồng Phật giáo, cơ sở tự viện của tất cả các truyền thống Phật giáo hiện diện tại quốc gia của họ, ngay cả khi đôi khi - ví dụ, trong trường hợp của các Liên đoàn Phật giáo tại Đức và Áo - các học viên cá nhân có thể tham gia Liên đoàn Phật giáo này.
Năm 1975, một số nhóm phật tử đã thành lập Liên minh Phật giáo Châu Âu tại London, Vương quốc Anh để thúc đẩy sự hợp tác giữa các phật tử ở các quốc gia Châu Âu khác nhau. Bên trong Liên minh Phật giáo Châu Âu (EBU) là một tổ chức bảo trợ quốc tế, tập hợp 50 tổ chức Phật giáo đến từ 16 quốc gia châu Âu, hiện nay có một Hội đồng đặc biệt gồm các liên minh quốc gia lên tiếng về các lợi ích chung liên quan đến Liên minh Châu Âu.
Các liên minh quốc gia hoạt động ở các quốc gia Áo, Bỉ, Croatia, Phần Lan, Ý, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và - như một mạng lưới - cũng ở Vương quốc Anh. Mỗi Liên minh có những đặc điểm riêng biệt do nền văn hóa xuất xứ và địa vị khác nhau mà Phật giáo được hưởng trong bối cảnh quốc gia.
Ở Áo, Phật giáo được chính thức công nhận. Để được coi là phật tử, cần phải gia nhập Liên minh Quốc gia cấp một giấy Chứng nhận phật tử cụ thể. Ở Na Uy và Thụy Điển, Phật tử được hưởng các quyền tương tự và nhận được sự hỗ trợ tương tự như các truyền thống tôn giáo khác dựa trên số lượng người hành trì, thực hành các phương pháp tu tập hàng ngày được khảo sát thường xuyên. Ở Đức, mỗi nhóm phật tử dân tộc hoặc quốc gia có các quy tắc cụ thể, trong khi ở Cộng hòa Pháp, do sự tách biệt rõ ràng giữa nhà nước và tôn giáo, các trung tâm Phật giáo có tư cách pháp lý của các giáo đoàn tôn giáo và có xu hướng gia nhập Liên minh Phật giáo Pháp, trong hơn hai mươi năm qua, mỗi sáng Chủ Nhật đều phát sóng một chương trình tôn giáo Phật giáo trên kênh truyền hình quốc gia.
Một phong trào quốc tế đáng kể là Soka Gakkai International (Sáng Giá Học hội Quốc tế; SGI), một tổ chức Phật giáo quốc tế thuộc tông phái Nichiren do Daisaku Ikeda thành lập năm 1975. SGI là tổ chức giáo dân Phật giáo lớn nhất thế giới, với khoảng 12 triệu học viên Phật giáo Nichiren ở 192 quốc gia và khu vực, một phong trào tôn giáo Phật giáo Nhật Bản tương đối trẻ với các chi nhánh được thành lập tại một số quốc gia châu Âu, với sự hiện diện đông đảo nhất ở Anh và Ý.
Phật giáo Soka Gakkai có mặt tại 35 quốc gia châu Âu và tại nhiều quốc gia trong số đó, nó được đăng ký là một tổ chức hoặc hiệp hội tôn giáo. Có khoảng 130.000 thành viên ở châu Âu. Các tổ chức lớn nhất nằm ở Pháp, Anh và Ý, tiếp theo là Tây Ban Nha và Đức, Áo, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha. Nó cũng có mặt ở bán đảo Scandinavia và một số quốc gia phía Đông. Soka Gakkai là một phần của các liên minh Phật giáo quốc gia ở Anh, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Áo, Tây Ban Nha và Ý.
Năm 2016, Viện Phật giáo Ý Soka Gakkai đã ký một thỏa thuận (intesa) với nhà nước đảm bảo quyền thờ cúng và hỗ trợ tài chính đến từ một phần thuế do Nhà nước thu được (cái gọi là "8/1000" hoặc otto per mille). Soka Gakkai ủng hộ việc truyền đạo như một hoạt động tôn giáo, có cấu trúc kim tự tháp đặc trưng và được chia thành các nhóm với các nhiệm vụ và sở thích cụ thể thu hút nhiều người châu Âu, chẳng hạn như những người trẻ và phụ nữ, những người quan tâm đến các vấn đề về môi trường, hòa bình và phát triển bền vững.
Đồ họa thông tin tương tác:
Ảnh:https://atlasminorityrights.eu/
Ảnh:https://atlasminorityrights.eu/
Ảnh:https://atlasminorityrights.eu/
Tài liệu tham khảo:
Cox, L. (2017). Truyền thống Phật giáo châu Âu , trong M. Jerryson (biên tập), The Oxford Handbook of Contemporary Buddhism. New York: University Press, trang 332-346
Baumann, M. (2019). Phật giáo ở châu Âu: Lịch sử, tình hình hiện tại và sự thích nghi với các xu hướng xã hội quy mô lớn của châu Âu, trong T. Nhật Tự (biên tập), Phật giáo trên toàn thế giới. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, trang 163-178
Thông tin về Liên minh Phật giáo Châu Âu có sẵn trên trang web chính thức, tại http://europeanbuddhism.org
Thông tin về Soka Gakkai có sẵn trên trang web chính thức, tại https://www.sokaglobal.org
Tác giả: Maria Angela Falà
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://atlasminorityrights.eu