Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5, dự kiến có khoảng 85.000 lượt thi. Hiện nay có khoảng 90 trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển đầu vào.
Cụ thể, 6 đợt thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm:
Đợt 501: Ngày thi 15-16/3/2025
Đợt 502: Ngày thi 29-30/3/2025
Đợt 503: Ngày thi 12-13/4/2025
Đợt 504: Ngày thi 19-20/4/2025
Đợt 505: Ngày thi 10-11/5/2025
Đợt 506: Ngày thi 17-18/5/2025
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025 gồm ba phần, trong đó hai phần bắt buộc là Toán học và Xử lý số liệu, Văn học - Ngôn ngữ. Ngoài ra, thí sinh có phần lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh.
Trong 10 năm qua, tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi (Ảnh Bộ giáo dục và Đào tạo)
Đại học Quốc gia TP.HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM được đánh giá có quy mô lớn nhất trên cả nước bởi có đến hơn 105 trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển đầu vào.
Năm 2025, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực làm 2 đợt vào ngày 30/3 và 1/6. Với cấu trúc bài thi gồm có 3 phần là Sử dụng ngôn ngữ (60 câu hỏi, được chia đều cho tiếng Việt và tiếng Anh), Toán học (30 câu hỏi), Tư duy khoa học (30 câu hỏi).
Đại học Bách khoa Hà Nội
Kỳ thi riêng của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm nào cũng thu hút một lượng lớn thí sinh tham gia và có khoảng hơn 50 trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy, mỗi đợt sẽ có 3-4 kíp thi tại 30 điểm thi.
Cụ thể, đợt 1 có ngày thi 18-19/1/2025; ngày mở đăng ký 1-6/12/2024.
Đợt 2 có ngày thi 8-9/3/2025; ngày mở đăng ký 1-6/2/2025.
Đợt 3 có ngày thi 26-27/4/2025; ngày mở đăng ký 1-6/4/2025.
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mùa tuyển sinh năm 2025 sẽ có 22 trường đại học khác dự kiến sẽ lấy điểm thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh đầu vào. Con số này đã tăng 13 trường so với năm ngoái.
Thời gian diễn ra kỳ thi là ngày 17-18/5/2025 với 8 môn tương tự năm ngoái là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Trường tổ chức thi tại 4 điểm, gồm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện với 6 bài thi độc lập: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Nội dung đề có khoảng 70-80% kiến thức lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10, 11. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy vào nhu cầu và tổ hợp xét tuyển.
Nhà trường dự kiến tổ chức nhiều đợt thi tại TP. HCM, Long An, Đà Nẵng, Gia Lai. Có 8 trường khác sử dụng điểm thi này để xét đầu vào.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Là “tân binh” trong việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, mùa tuyển sinh 2025 là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhà trường để xét tuyển đại học. Hiện nhà trường chưa công bố đề án tổ chức kỳ thi này. Tuy nhiên, đây sẽ là bài thi theo hướng đánh giá năng lực.
Các trường thuộc khối Bộ Công an
Với các trường thuộc khối Bộ Công an, việc tổ chức kỳ thi đánh giá đã thực hiện từ năm 2022, kết hợp điểm bài thi này với điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển chọn thí sinh.
Năm 2025, Bộ Công an dự kiến sẽ đổi cấu trúc đề thi. Cụ thể, bài thi gồm ba phần: tự luận bắt buộc (gồm một câu nghị luận xã hội), trắc nghiệm bắt buộc (Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ) và trắc nghiệm tự chọn.
Ở phần trắc nghiệm tự chọn, thí sinh chọn một trong các môn Vật lý (CA1), Hóa học (CA2), Sinh học (CA3), Địa lý (CA4). Khoảng 70% kiến thức bài thi sẽ nằm ở lớp 12, phần còn lại thuộc chương trình lớp 10, 11.
Các trường thuộc khối Bộ Quốc phòng
Với chỉ tiêu dành khoảng 30% bằng hình thức thi đánh giá năng lực, khối trường quân đội dự kiến sẽ tổ chức một kỳ thi riêng. Hình thức thi sẽ thực hiện trên máy tính với bài thi tương tự Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện, nhưng chỉ phục vụ những đối tượng thi vào quân đội.
Bài thi sẽ kiểm tra kiến thức tổng hợp gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Bài thi tổng hợp kiến thức Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Ngoài ra, trong mùa tuyển sinh 2025, sẽ có tổng cộng 18 trường đại học tổ chức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT). Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc chương trình lớp 10, 11).
Kỳ thi có các môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Từ năm 2025, bài thi V-SAT sẽ có thêm môn Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính.
Hưng Anh