Các trường đại học mở thêm nhiều ngành học mới nhằm nắm bắt xu thế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước
Chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành là một trong những xu thế tất yếu của giáo dục đại học, cũng là hướng ưu tiên trong hoạt động đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM. Năm nay, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ có thêm một số liên ngành mới như: Công nghệ giáo dục, Kinh tế đất đai, Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ Y - Dược. Trước đó, năm 2024, chương trình đào tạo liên trường đầu tiên được Đại học Quốc gia TPHCM triển khai là ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp tổ chức đào tạo). Khóa đầu tiên đã tuyển được 58 sinh viên.
Với 8 trường đại học trong hệ thống, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang có 147 mã ngành đào tạo trình độ đại học. Riêng năm 2024, trường có 14 ngành học mới tuyển sinh và bắt đầu đào tạo tại 6 đơn vị thành viên.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) mở thêm ngành Công nghệ giáo dục với chỉ tiêu khoảng 100 sinh viên.
Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo. Trong đó, dự kiến có 2 chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế.
Trường Đại học Thương mại phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).
Còn tại Trường Đại học Luật TPHCM, bên cạnh 5 ngành đào tạo truyền thống, năm 2025, trường dự kiến mở thêm 2 ngành học mới ở lĩnh vực kinh doanh quản lý là Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng. Riêng lĩnh vực pháp luật, trường cũng dự kiến mở mới ngành Luật kinh tế. Theo đó, năm 2025, trường cũng sẽ tăng 800 chỉ tiêu tuyển sinh, giữ nguyên ba phương thức xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM dự kiến sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới trong năm 2025 gồm: Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện); Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm.
Đại học Kinh tế TPHCM dự kiến tuyển sinh thêm 2 chương trình mới trong năm 2025 gồm Phân tích dữ liệu và Quản trị doanh nghiệp bền vững.
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dự kiến mở thêm 4 ngành là Thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo, Kiểm toán, Luật học.
Trường Đại học Cần Thơ dự kiến tuyển sinh các ngành học mới bậc đại học chính quy ở nhiều lĩnh vực khác như: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trí tuệ nhân tạo, Thú y (chất lượng cao), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chất lượng cao), Tâm lý giáo dục, Thương mại điện tử, Luật dân sự và tố tụng dân sự.
Trường Đại học FPT dự kiến mở thêm 6 chuyên ngành mới (thuộc ngành luật và quản trị kinh doanh) và một số chuyên ngành theo định hướng đáp ứng nhu cầu phát triển như Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế.
Trường Đại học Tài chính-Marketing dự kiến mở thêm ba ngành mới gồm Kiểm toán, Quản lý kinh tế và Khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh được giữ ổn định như các năm trước, khoảng gần 4.400 sinh viên.
Vũ Phong (tổng hợp)