Các trường đại học xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực năm 2025 ra sao?

Các trường đại học xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực năm 2025 ra sao?
7 giờ trướcBài gốc
Thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM, đến thời điểm này, cả nước có 101 trường đại học (ĐH) và 10 trường cao đẳng đăng ký sử dụng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025 để tuyển sinh đầu vào.
Kỳ thi ĐGNL năm nay ghi nhận đến hơn 155.000 thí sinh (TS) dự thi ở cả hai đợt thi. Đây cũng là năm có số lượng TS đông nhất trong 8 năm tổ chức.
Có trường lấy điểm sàn từ 850
Theo báo cáo kết quả phổ điểm từ ĐH Quốc gia TP.HCM, so với những năm trước, phổ điểm thi năm nay khá cao, nhất là nhóm TS trên 800 điểm (thang điểm 1.200).
Cụ thể, hơn 1.500 TS có mức điểm trung bình là 1024,54 điểm, hơn 1.500 em đạt điểm trung bình là 986,41 điểm và gần 11.000 TS đạt mức điểm trong khoảng 900-1.000 điểm, hơn 22.000 TS có khung điểm trong phạm vi 800-900. Riêng mức điểm trung bình năm nay lại giảm so với năm 2024.
Tuy nhiên, với số lượng TS dự thi năm nay tăng cao nhất trong nhiều năm qua nên một số trường ĐH dự báo điểm chuẩn sẽ nhỉnh hơn. Nhóm điểm chuẩn cao nhất vẫn ở những ngành hot như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, truyền thông…
Mặc dù vậy, khi công bố thông tin tuyển sinh, nhiều trường ĐH vẫn quy định mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) ở mức trung bình, không thay đổi nhiều so với mọi năm.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2025 tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: LM
Đơn cử, theo thông báo mới nhất của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đối với cơ sở chính tại TP.HCM, ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chương trình đại trà cho các ngành có tổng điểm tối thiểu 650 (không nhân hệ số, chưa cộng điểm ưu tiên và không áp dụng đối với nhóm ngành pháp luật).
Đối với chương trình tăng cường tiếng Anh, mức điểm tối thiểu là 600.
Nhóm ngành pháp luật nhận hồ sơ tối thiểu 720 điểm, đồng thời TS phải đạt điểm thi thành phần môn tiếng Việt tối thiểu 180 và thành phần môn Toán tối thiểu 180 điểm. Tại phân hiệu tỉnh Quảng Ngãi, điểm sàn là 600.
Tương tự, theo công bố mới nhất của Trường ĐH Công Thương TP.HCM, năm 2025 trường nhận hồ sơ từ 600 điểm cho mọi ngành. Riêng với nhóm ngành pháp luật, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có tổng điểm tối thiểu bằng 720, đồng thời thành phần điểm Tiếng Việt tối thiểu bằng 180 và thành phần điểm Toán tối thiểu bằng 180 điểm.
Đáng chú ý, Trường ĐH Ngoại thương thông báo chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với những TS có điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 850 điểm trở lên và tuyển cho cơ sở chính ở Hà Nội và cơ sở II tại TP.HCM.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận hồ sơ xét tuyển từ 600 điểm trở lên. Còn Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận hồ sơ xét tuyển từ 620 điểm trở lên.
Lưu ý về quy đổi điểm và thủ tục minh chứng cộng điểm
Bên cạnh lưu ý về phổ điểm thi, năm 2025 là năm mà công tác tuyển sinh ĐH có nhiều thay đổi lớn. Trong đó, thay đổi lớn nhất là không còn xét tuyển sớm vào ĐH, thay vào đó tất cả TS xét tuyển ở các phương thức (kể cả xét tuyển thẳng) đợt 1 cũng phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT theo lịch quy định.
Cạnh đó, các trường ĐH cũng không còn phân chia chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. Điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của tất cả phương thức năm 2025 cũng được quy đổi về một thang điểm chung. Theo Bộ GD&ĐT, việc quy đổi điểm nhằm bảo đảm điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng. Từ đó đảm bảo sự công bằng, khách quan cho TS ở các phương thức.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo thông báo tuyển sinh từ nhiều trường ĐH, việc quy đổi điểm ở phương thức xét điểm thi ĐGNL cùng với các phương thức khác sẽ được các trường công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, để có đầy đủ căn cứ dữ liệu ở các phương thức.
Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi cho những TS thuộc các đối tượng ưu tiên, được cộng điểm xét tuyển từ các chứng chỉ quốc tế, từ đầu tháng 6, nhiều trường ĐH đã tổ chức cho TS đăng ký hồ sơ để nộp các minh chứng liên quan phục vụ cho xét tuyển. Trong đó có cả phương thức xét điểm ĐGNL nếu trường có quy định cộng điểm từ chứng chỉ quốc tế hoặc TS đạt thành tích cao từ các cuộc thi.
Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận hồ sơ xét tuyển dự kiến từ 600 điểm trở lên với điểm thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được cộng tối đa 120 điểm để tính xét tuyển.
Các trường cũng lưu ý TS cần theo dõi thông tin tuyển sinh từng trường để thực hiện theo hướng dẫn trong việc quy đổi điểm cũng như đăng ký hồ sơ xét tuyển.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2025 có 17 phương thức xét tuyển được các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh bậc ĐH chính quy.
Tất cả TS sẽ thực hiện đăng ký xét tuyển vào ĐH trong đợt 1 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thời gian từ ngày 16-7 đến 17 giờ 28-7. Việc đăng ký áp dụng cho tất cả phương thức xét tuyển, kể cả xét tuyển thẳng hay các phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực….
Trong thời gian quy định, TS được đăng ký nguyện vọng xét tuyển, điều chỉnh thông tin không giới hạn số lần và số nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất. Việc này nhằm đảm bảo TS sau quá trình lọc ảo chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất nếu đáp ứng điều kiện xét tuyển.
PHẠM ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/cac-truong-dai-hoc-xet-tuyen-diem-thi-danh-gia-nang-luc-nam-2025-ra-sao-post856819.html