Toàn bộ sân trường Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ (cũ) ngập trong nước. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Xã Xuân Mai được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã, thị trấn thuộc huyện Chương Mỹ (cũ), gồm: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến - là những địa bàn vùng trũng, nằm trong vùng phân lũ của Hà Nội, thường xuyên đối mặt với nguy cơ ngập úng kéo dài.
Nhà giáo Nguyễn Bá Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nam Phương Tiến A cho biết, thực hiện công điện của UBND xã Xuân Mai, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bão, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền xã, phụ huynh học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, hiện nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ như kìm, dây thép, đinh, búa… cùng các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu. Cửa sổ, cửa chính các phòng học đã được buộc bằng dây thép; các đường cống liên quan đến hệ thống thoát nước của nhà trường cũng được khơi thông; toàn bộ máy tính, hồ sơ của nhà trường đã được bao bọc bằng nylon.
“Ban Giám hiệu nhà trường sẽ trực 24/24 giờ tại trường khi có bão, theo dõi chặt tình hình mưa bão để có phương án xử lý kịp thời, sẵn sàng chuyển toàn bộ hồ sơ giấy tờ, bàn ghế các phòng có nguy cơ lụt lên tầng 2. Nhà trường cũng đã xây dựng phương án khắc phục hậu quả của mưa bão nếu có. Mặc dù nhà trường nằm trong vùng ngập úng thường xuyên, có nhiều kinh nghiệm phòng, chống, song không vì thế mà chúng tôi chủ quan, lơ là”, nhà giáo Nguyễn Bá Thắng cho biết thêm.
Công tác phòng, chống mưa bão cũng được Trường Mầm non Nam Phương Tiến triển khai khẩn trương. Nhà giáo Đỗ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến, thông tin cập nhật về mưa bão tới 100% cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt ở tầng 1, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã chuyển cây cảnh và một số thiết bị lên tầng 2, che chắn kín đáo, còn đồ dùng học tập và trang thiết bị của nhà bếp đã được kê lên cao.
“Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh quản lý, chăm sóc con ở nhà nếu thời tiết bất lợi hoặc mưa lớn. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu yêu cầu các giáo viên duy trì liên lạc với gia đình trẻ, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết”, nhà giáo Đỗ Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Theo phương án đảm bảo an toàn các công trình giáo dục trên địa bàn xã Xuân Mai, bên cạnh các nhiệm vụ khác, xã yêu cầu sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các trường cùng địa bàn và giữa nhà trường với chính quyền địa phương theo từng tình huống xảy ra; sự hỗ trợ của các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn gần trường học.
Tối 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các phường, xã; các nhà trường về việc chủ động ứng phó với bão số 3. Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị, nhà trường triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả.
Căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, các đơn vị, nhà trường chủ động rà soát, sẵn sàng các kế hoạch, triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp điều kiện thực tế.
Các đơn vị, nhà trường cần rà soát cây xanh trong khuôn viên, nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gẫy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời; trường hợp chưa thực hiện ngay được thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, nhà trường có phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, sách vở đến nơi an toàn; lưu ý công tác bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các kỳ thi; hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.
Các đơn vị, nhà trường tuyệt đối không tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, đặc biệt là ở nơi có nguy cơ ngập úng, sạt lở; thiết lập thông tin với phụ huynh để quản lý học sinh khi tham gia các hoạt động hè, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Nguyễn Cúc (TTXVN)