Theo cán bộ và người dân xã Tương Dương, vào khoảng 1h ngày 23/7, trời mưa to, nước lũ lên cao, hàng chục hộ dân đã phải chạy lên các đoạn cao của quốc lộ 7 để tránh ngập.
Ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương cho biết: Trong quá trình di chuyển, người dân hoảng hốt chứng kiến cầu treo Cửa Rào bắc qua sông Nậm Mộ nối quốc lộ 7 vào các bản vùng sâu, hướng đi vào Đền Vạn Cửa Rào đã bị lũ nhấn chìm rồi đổ sập và trôi theo dòng nước trong đêm.
Cầu Cửa Rào đổ sập trong đêm
Các xã phía tây tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra mưa to đến rất to, nước lũ lên nhanh gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Nước rút để lộ cảnh tượng hoang tàn với hàng trăm khối bùn đất, gỗ rác ngổn ngang chất cao như núi, giao thông ách tắc.
Tại xã Mường Xén, quốc lộ 7 - tuyến đường độc đạo kết nối biên giới với nước bạn Lào - bị bùn lầy, củi mục, thân cây gãy đổ phủ kín suốt đoạn dài gần 1km.
Hàng trăm khúc gỗ lớn nhỏ nằm ngổn ngang chắn giữa đường, nhiều khúc to như cột nhà. Một số đoạn đường bị đất đá lấp ngang, xe máy, ô tô không thể lưu thông.
Rác bủa vây quốc lộ 7 đoạn địa bàn xã Mường Xén.
Chị Lương Thị Hường, trú tại bản Cầu Tám, xã Mường Xén chia sẻ: "Cả đoạn đường thành bãi rác khổng lồ. Cây cối từ thượng nguồn trôi về, người dân ra nhặt củi, vớt gỗ cả ngày không xuể. Có người mạo hiểm lội nước sâu để lấy được vài khúc gỗ to, rất nguy hiểm".
Sau lũ, cây cối mắc ngổn ngang trên các tuyến đường, bùn đất có nơi ngập đến hơn 50cm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Đào Thọ).
Không chỉ gỗ củi, dòng lũ còn để lại lớp bùn đỏ dày đặc, rác sinh hoạt, xác động vật bốc mùi hôi thối. Những khu vực sát khe suối biến thành những hố bùn nhão nhoét, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén, trời đã ngớt mưa, nước lũ đã rút nhanh nhưng hậu quả để lại rất lớn.
Chính quyền xã Mường Xén đã huy động máy móc và nhân lực giải phóng bùn đất ở những nơi nước rút trong sáng nay (Ảnh: Đào Thọ).
Chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân khẩn trương dọn dẹp, khơi thông đường sá, thu gom rác, tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và giao thông an toàn trở lại.
Khi nước rút, khắp các bản làng ngổn ngang, hoang tàn; bùn đất, rác thải, cây cối trôi dạt từ thượng nguồn về.
Tại xã Nhôn Mai, sáng sớm nay tuy trời đã ngớt mưa nhưng mưa lũ để lại hậu quả hết sức nặng nề. Trên địa bàn có tới 21 bản bị cô lập hoàn toàn. Quốc lộ 16, tuyến huyết mạch đi qua khu vực bị chia cắt tại nhiều điểm. Riêng tại bản Nhôn Mai có 5 ngôi nhà bị sạt lở, 4 nhà bị cuốn trôi và 6 nhà có nguy cơ cao tiếp tục sạt lở.
Nhiều nhà nằm trong nguy cơ sụp đổ (Ảnh: CSCC).
Hiện nay, chính quyền địa phương và các lực lượng giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn, chủ động phòng ngừa rủi ro tiếp theo.
Tại xã Nậm Cắn, khoảng 8h15 sáng 23/7, lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương đã tìm thấy thi thể bà Lỳ Y Dinh (70 tuổi) bị nước cuốn trôi.
Trực tiếp chỉ huy tại chỗ, Thượng tá Hồ Mạnh Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cho biết: Những ngày qua, đơn vị huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm nạn nhân mất tích cả đêm, sáng nay tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả…
Lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương giúp nhân dân khắc phục sau lũ (ảnh: Đắc Lam)
Trên toàn tuyến biên giới, mưa lũ đã làm sập và cuốn trôi nhiều ngôi nhà, buộc phải di dời hàng trăm hộ dân ở các xã biên giới như Nhôn Mai, Mỹ Lý, Thông Thụ, Tri Lễ. Nhiều trường học, trạm y tế, chuồng trại và công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Sau hơn hai ngày mưa lũ dồn dập, xã vùng cao Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An, cũng bị tàn phá tan hoang khi nhà cửa đổ sập, tài sản trôi sạch, người dân rơi vào cảnh trắng tay.
Tại xã Mường Típ, đường tỉnh 543D sạt lở trên 250m, giao thông tê liệt, một số bản bị cô lập. Ông Cụt Phò Cáng - Trưởng bản Xốp Lau, xã Mường Típ, cho biết thêm: Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho bà con dân bản, theo thống kê ban đầu có 3 nhà hư hỏng nặng, 1 nhà bị sập.
Cũng trong đêm 22/7, rạng sáng 23/7, cầu bản Chắn và cầu bản Lau trên địa bàn xã Tương Dương cũng đã đổ sập.
Sáng 23/7, tại khu vực xã Con Cuông (Nghệ An), mưa lớn kéo dài trong đêm 22 và rạng sáng 23/7 khiến nước từ sông Lam dâng cao tràn vào quốc lộ 7, gây ngập lụt nghiêm trọng.
Khu vực sông Lam đoạn qua xã Con Cuông.
Tại khu vực núi eo Vực Bồng (xã Con Cuông), một đoạn dài gần 700m của quốc lộ 7 bị ngập sâu hơn 1m, khiến hàng chục phương tiện, người dân lưu thông qua đây buộc phải dừng lại, không thể tiếp tục di chuyển.
Tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn theo cả hai chiều từ trung tâm đi các xã vùng trên và từ xã vùng dưới lên trung tâm.
Người dân dùng thuyền đi qua khu vực ngập
Tình trạng ngập lụt còn ghi nhận tại nhiều khu vực dân cư như thôn Vĩnh Hoàn và bản Pha (xã Con Cuông), nơi có nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà, tài sản, gia súc bị thiệt hại nặng. Trong ảnh, nhiều nhà dân ở thôn Vĩnh Hoàn nước ngập ngang thân nhà.
Khu vực dân cư như thôn Vĩnh Hoàn và bản Pha (xã Con Cuông) ngập trong biển nước
Bà Tô Vila (trú tại xã Con Cuông) nói: "Từ trước đến nay chưa bao giờ thấy nước sông Lam dâng cao thế này. Nước tràn vào tận nhà, gà vịt chết sạch, mọi thứ bị cuốn trôi theo dòng nước".
Người dân xã Con Cuông di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xã Con Cuông đang túc trực ứng phó, hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Xã Con Cuông chìm trong mênh mông nước, trụ sở làm việc của xã Con Cuông lũ dâng cao tận mái nhà
Lê Minh
Quang Hợp