Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới. Ảnh: Freepik.
Có nhiều nguyên nhân có thể làm tăng khả năng mắc chứng loãng xương và giảm mật độ xương. Một số rủi ro có thể kiểm soát trong khi một số yếu tố khác thì không, nhưng bạn cũng cần phải hiểu để kiểm soát chúng.
Tuổi tác
Theo AARP, khi bạn già đi, cơ thể bạn có xu hướng mất đi một số mật độ xương. Nhưng yếu tố này có thể tránh khỏi và làm chậm lại bằng cách thay đổi lối sống - chẳng hạn tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh cho xương - và dùng thuốc.
Giới tính
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới và khoảng 1/2 phụ nữ và 1/4 nam giới trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương do tình trạng loãng xương hoặc thiếu xương.
Hút thuốc
Một trong những lý do buộc bạn phải cai thuốc là mối quan hệ trực tiếp giữa việc sử dụng thuốc lá và mật độ xương giảm, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Uống nhiều rượu
Theo NIH, uống quá nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng canxi trong cơ thể. Thói quen xấu này cũng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt hormone dẫn đến xương yếu hơn.
Mãn kinh
Đây là thời điểm mất xương xảy ra dữ dội. Và phụ nữ mất nhiều xương nhất - lên đến 20% - trong 10 năm đầu sau mãn kinh, theo tiến sĩ Margaret Nachtigall, bác sĩ nội tiết sinh sản và Phó Giáo sư lâm sàng tại NYU Langone Health.
Chuyên gia này cho hay phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao nên cân nhắc liệu pháp hormone (HT) trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi từ liệu pháp này, vì vậy, bạn nên thảo luận về tình trạng của mình với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Thói quen ăn uống kém lành mạnh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, đặc biệt là thiếu canxi, vitamin D, protein và tiêu thụ nhiều muối, là một trong những yếu tố dinh dưỡng làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương, đặc biệt ở người lớn tuổi.
WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành cần bổ sung khoảng 1.000-1.300 mg canxi mỗi ngày, tùy theo độ tuổi và giới tính, đồng thời cần kết hợp với hoạt động thể chất và hạn chế các chất làm mất canxi như rượu, muối và caffeine để duy trì hệ xương chắc khỏe.
Ung thư vú
Xương giòn và gãy xương thường gặp hơn ở những phụ nữ đã được điều trị ung thư vú. Điều này một phần là do việc điều trị ung thư vú có thể gây ra tình trạng mãn kinh sớm, theo điều dưỡng Eva E. Meyers, thuộc Hội đồng cố vấn y khoa của Quỹ ung thư vú quốc gia.
Không hoạt động thể chất
Cũng giống việc tập thể dục giúp cơ bắp khỏe hơn, nó cũng giúp xương chắc khỏe hơn. Ngược lại, lười vận động có thể khiến xương nhanh yếu hơn.
Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiền sử gia đình bị loãng xương cho thấy bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là nếu cha mẹ bị gãy xương hông.
Kiểu cơ thể
Bạn càng gầy, xương càng mỏng và nguy cơ gãy xương càng cao. Trong khi chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh thường tốt hơn trong việc giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường type 2, có vẻ như BMI cao hơn bảo vệ cả nam và nữ khỏi bệnh loãng xương. Theo tiến sĩ Nachtigall, cơ thể có cân nặng khỏe mạnh giúp xương chắc khỏe và người có BMI rất thấp được coi là nguy cơ mất xương cao.
Mai Phương