Một số ước tính cho thấy 1/2 dân số toàn cầu có thể bị béo phì vào năm 2035. Chỉ tính riêng ở Mỹ, việc cắt giảm 20% lượng đường có thể tiết kiệm được 10,3 tỉ USD chi phí y tế.
Tuy nhiên, đường không chỉ gây tác động xấu đến sức khỏe mà còn cả vấn đề môi trường do hoạt động trồng cây tạo đường.
Trong một bài viết gần đây, GS Paul Behrens, Viện Hàn lâm Anh Paul Behrens (Anh) và chuyên gia Alon Shepon, Khoa nghiên cứu môi trường Trường ĐH Tel Aviv (Israel), đã đánh giá tác động của đường đối với môi trường và khuyến nghị giảm sản xuất hoặc sử dụng đường theo những cách có lợi cho môi trường.
Các loại cây tạo đường được trồng nhiều nhất trên hành tinh. Một khi loại bỏ dần, con người có thể tiết kiệm đất đai có thể được tái tạo và tích trữ carbon. Điều này đặc biệt quan trọng ở các vùng nhiệt đới đa dạng sinh học, nơi sản xuất đường tập trung như Brazil và Ấn Độ.
Lượng đường tiêu thụ tăng gấp 4 lần trong 60 năm qua. Ảnh: Pixabay
Có một lựa chọn khác, dễ được các nước có nguồn thu dựa vào xuất khẩu đường chấp nhận hơn, đó là chuyển mục đích sử dụng đường cho chế độ ăn uống sang các mục đích sử dụng có lợi cho môi trường khác như nhựa sinh học hoặc nhiên liệu sinh học.
Theo nghiên cứu của 2 nhà khoa học, triển vọng lớn nhất là sử dụng đường để nuôi các vi khuẩn tạo ra protein. Sử dụng đường cho loại protein vi khuẩn này có thể sản xuất đủ các sản phẩm thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật để nuôi sống 521 triệu người. Nếu dùng thay thế protein động vật, nó cũng có thể mang lại lợi ích rất lớn về việc giảm khí thải và nước.
Hai nhà khoa học ước tính nếu protein này thay thế thịt gà, có thể giúp giảm gần 250 triệu tấn khí thải. Mức tiết kiệm còn lớn hơn khi thay thế thịt bò.
Với hướng chuyển sang dùng đường để sản xuất nhựa sinh học, chúng ta có thể thay thế khoảng 20% tổng thị trường polyethelyne, một trong những dạng nhựa phổ biến nhất và được sử dụng để sản xuất mọi vật dụng. Còn nếu sản xuất nhiên liệu sinh học, chúng ta sẽ có khoảng 198 triệu thùng ethanol.
Theo tạp chí The Conversation, cắt giảm đường để giảm béo phì và bảo vệ môi trường có thể là giải pháp đột phá, được coi là "chiến thắng lớn", song đặt ra thách thức lớn trong chuỗi cung ứng đường trải dài hơn 100 quốc gia và hàng triệu người phụ thuộc vào thu nhập từ đường.
Huệ Bình