Người dân đổ về trung tâm TP HCM chờ xem buổi sơ duyệt cấp nhà nước tối 24/4. Ảnh: Vietnamnet
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa đưa ra một số khuyến cáo bảo vệ sức khỏe khi tham gia các hoạt động đông người ngoài trời nắng nóng.
Theo đó, người dân cần lưu ý một số dấu hiệu sốc nhiệt khi hoạt động ngoài trời như: Chuột rút, đổ mồ hôi nhiều bất thường, khó thở, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn...
Bí quyết bảo vệ sức khỏe dưới trời nắng nóng
Luôn giữ cơ thể mát mẻ: Người dân nên ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Nghỉ ngơi thường xuyên, không nên hoạt động liên tục trong thời gian dài. Ưu tiên thực hiện các hoạt động ngoài trời vào thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, như sáng sớm hoặc chiều tối, nếu có thể.
Nên uống nước thường xuyên trong suốt cả ngày, không đợi đến khi khát mới uống. Luôn mang theo chai nước và bổ sung nước khi cần. Hạn chế uống các loại nước có nhiều đường, muối, caffeine hoặc rượu vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước nhanh hơn. Kiểm tra màu nước tiểu, nếu nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong, đó là dấu hiệu cơ thể đang được cung cấp đủ nước.
Cần hạn chế uống rượu, bia, cà phê và đồ ngọt; Ăn các bữa nhỏ, chia thành nhiều lần trong ngày; Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi và thoáng mát; Đội mũ và đeo kính râm để bảo vệ khỏi nắng; Tắm hoặc lau người bằng nước mát nếu cần thiết.
Nếu cảm thấy không khỏe, hãy tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay nếu có triệu chứng: chóng mặt, mệt mỏi, lo âu, khát nước dữ dội hoặc đau đầu. Di chuyển đến khu vực mát mẻ càng sớm càng tốt và bổ sung nước liên tục để tránh mất nước, ngay cả khi chưa cảm thấy khát.
Lưu ý chăm sóc trẻ khi tham gia hoạt động ngoài trời
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp. Trước hết, cần chọn môi trường vui chơi an toàn, tránh những nơi có nước đọng, thùng rác, ống nước rò rỉ và hạn chế đưa trẻ đến khu vực quá đông người. Phụ huynh nên mang theo nước rửa tay khô và khăn giấy để vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên, đặc biệt khi ăn uống hoặc sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng.
Để phòng muỗi đốt, nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, thoa thuốc chống muỗi tự nhiên lên quần áo và tránh cho trẻ đi dạo vào buổi tối. Sau khi về nhà, cần kiểm tra xem trẻ có dấu hiệu phát ban, nổi mẩn đỏ hoặc sốt hay không và đưa đi khám ngay nếu có biểu hiện bất thường.
Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ dùng đồ ăn nấu tại nhà, nước đun sôi hoặc đóng chai; tuyệt đối tránh các món ăn bán ven đường để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Lưu ý an toàn thực phẩm ngoài trời
Cần làm sạch thực phẩm trước khi khởi hành: Trái cây, rau củ - kể cả những loại có vỏ - cần được rửa kỹ dưới vòi nước chảy trước khi đóng gói để loại bỏ bụi bẩn và vi sinh vật. Trước khi chế biến thực phẩm hoặc ăn uống, cần rửa tay sạch với nước và xà phòng. Trong trường hợp không có nước sạch tại địa điểm vui chơi, có thể sử dụng khăn ướt và dung dịch sát khuẩn tay.
Các món ăn đã chế biến, salad, bánh mì kẹp, sản phẩm từ sữa và các loại gia vị ăn liền cần được làm nguội hoàn toàn trước khi đóng gói. Đặt thực phẩm trong hộp hoặc túi giữ nhiệt có chứa đá hoặc gel đông lạnh, đảm bảo nhiệt độ luôn dưới 8°C nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Sau khi dùng bữa, nếu còn thực phẩm chưa sử dụng hết, cần nhanh chóng cho vào hộp giữ mát. Nếu thực phẩm để ngoài môi trường quá 4 giờ hoặc nhiệt độ không còn được duy trì ở mức an toàn, cần loại bỏ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Lưu ý chỉ sử dụng lại thực phẩm khi đảm bảo các điều kiện bảo quản thích hợp và không có dấu hiệu hư hỏng.
Một số lưu ý khác
Khi tham gia các sự kiện đông người, việc phải xếp hàng dài để kiểm tra an ninh, sử dụng nhà vệ sinh công cộng, di chuyển bằng phương tiện hoặc thậm chí đối mặt với tình trạng kẹt xe là điều khó tránh khỏi. Người dân được khuyến cáo giữ thái độ kiên nhẫn, tránh chen lấn, xô đẩy. Nếu xảy ra sự cố, hãy bình tĩnh, tìm lối thoát an toàn và di chuyển theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Do có thể bị lạc, nên chụp ảnh từng thành viên trong nhóm trước khi tham dự để dễ nhận diện nếu cần tìm kiếm. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể ghi tên và số điện thoại liên lạc vào giấy rồi đặt trong túi áo quần của trẻ. Trong trường hợp mất liên lạc do nghẽn mạng di động, người dân nên ưu tiên gửi tin nhắn hoặc sử dụng ứng dụng mạng xã hội. Đồng thời, cần chọn sẵn một điểm hẹn an toàn từ trước để dễ dàng tập trung nếu bị tách nhóm.
HCDC khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm tải áp lực giao thông. Nếu bắt buộc phải đi bằng xe cá nhân, cần ghi nhớ hoặc đánh dấu vị trí đậu xe để thuận tiện khi ra về. Với các nhóm đi đông người, nên thống nhất trước điểm gặp nhau và chụp ảnh trang phục của từng thành viên để hỗ trợ tìm kiếm trong trường hợp bị lạc.
Khi xảy ra các tình trạng chen lấn, xô đẩy nguy hiểm, người dân cần lưu ý: Nhanh chóng rời khỏi đám đông ngay khi cảm nhận dấu hiệu nguy hiểm. Đi xuôi theo dòng người. Cần thận, cố gắng không để bị té, ngã. Để tay chữ X trước ngực để không bị ép ngực. Bình tĩnh, hạn chế la hét để tiết kiệm sức lực, hơi thở.
Chú ý, khi bị mất tài sản, thất lạc trẻ nhỏ thì người dân cần thông báo ngay lực lượng công an hoặc bảo vệ gần nhất để được hỗ trợ.
Minh Trang