Mâm ngũ quả không có chuối nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống.
Giá chuối xanh tăng chóng mặt tại miền Bắc
Khảo sát các chợ Tân Mai, Tây Mỗ, Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội), giá chuối xanh tăng cao gấp 3-4 lần so với mọi năm. Giá dao động 130.000 đồng tới 1 triệu đồng mỗi nải, tùy thuộc vào dáng, màu sắc và số quả chẵn, lẻ.
Đặc biệt các nải chuối có số quả lẻ (15, 17, 19... quả) có giá cao hơn hẳn do theo quan niệm thờ cúng, lẻ là số dương, mang lại nhiều lộc cho gia chủ. Tiểu thương cho biết giá chuối thường tăng gần Tết, nhưng năm nay mức tăng đột biến, nguyên nhân là nguồn cung ít do bão.
Trong khi chuối xanh tăng mạnh tại Hà Nội, giá mặt hàng này ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 20-30%, khoảng 30.000-45.000 đồng mỗi kg. Một nải nặng 2 kg có giá 60.000-90.000 đồng.
Những loại quả có thể thay thế chuối trên mâm ngũ quả
Theo dân gian, mâm ngũ quả thường bao gồm năm loại trái cây đại diện cho ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Ở mỗi vùng miền, mâm ngũ quả có thể bài trí theo các cách khác nhau, kết hợp năm loại trái cây biểu trưng cho sự trọn vẹn, may mắn, thịnh vượng, sức khỏe và bình an.
Việc bày mâm ngũ quả không có chuối thể hiện sự đa dạng và sáng tạo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam mà không làm mất đi giá trị truyền thống hay ý nghĩa tâm linh.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường có chuối xanh do quan niệm chuối thể hiện cho sự sum vầy.
Thông thường, mâm ngũ quả miền Bắc thường sẽ có nải chuối xanh được đặt ở dưới cùng. Tuy nhiên, nếu không có chuối bạn vẫn có thể sắp xếp các loại trái cây khác như bưởi, dưa hấu ở vị trí trung tâm. Xung quanh là các loại trái cây nhỏ hơn như táo, ớt, quất, nho để thêm sự đa dạng về kích thước và màu sắc, tạo điểm nhấn cho mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả không có chuối được bài trí như thế nào?
Tại miền Trung, các loại quả thường được lựa chọn để bày trên mâm ngũ quả có thể bao gồm: chuối, mãng cầu, dưa hấu, sung, dừa, đu đủ, cam, táo, nho...
Quả to và nặng thường được đặt ở dưới, làm đế. Các quả nhỏ hơn thường được xếp lên trên như một hình tháp. Ngoài ra, một số gia đình còn thêm những loại hoa tươi như cúc, hồng để trang trí mâm ngũ quả miền Trung, tạo nên màu sắc rực rỡ.
Với người miền Nam, mâm ngũ quả thường được bài trí với mong muốn "Cầu sung vừa đủ xài", tức là mong muốn một năm mới đủ đầy, sung túc. Do đó, mâm ngũ quả thường gồm 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài...
Ngoài ra, có thêm quả thơm (dứa) với hy vọng con cháu đầy nhà, hoặc một cặp dưa hấu vỏ xanh, lòng đỏ để cầu mong may mắn cả năm.
Tuy nhiên, người miền Nam thường không thờ cúng một số loại trái cây có âm điệu trong cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), cam, quýt (quýt làm cam chịu)...
Mâm ngũ quả là một trong những truyền thống của gia đình Việt trong ngày Tết cổ truyền. Vì vậy, việc chuẩn bị một mâm ngũ quả đầy đặn, đẹp mắt và ý nghĩa để bày lên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết đến xuân về là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ người Việt tin rằng, trái cây tươi trên bàn thờ mang theo cầu mong và sự ước nguyện bình an, sung túc của gia đình trong một cả năm mới.
Trang Linh