Cách các nước EU tự 'thu xếp' sau khi mất dòng khí đốt Nga qua Ukraine

Cách các nước EU tự 'thu xếp' sau khi mất dòng khí đốt Nga qua Ukraine
một ngày trướcBài gốc
Việc dòng khí đốt Nga qua Ukraine bị dừng lại từ ngày đầu năm mới làm xáo trộn bức tranh năng lượng ở Trung Âu. Tuy nhiên, theo trang tin năng lượng Oil Price, khu vực này đã hoàn toàn thích nghi với bối cảnh mới, trong đó nguồn cung từ Đức và Italy đã bù đắp cho sự thiếu hụt.
Theo công ty tiện ích AGGM của Áo, quốc gia vùng Alps này đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Đức và Italy khi dòng chảy từ Slovakia bị dừng lại sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm với Nga.
Bản thân Slovakia đã sử dụng kết nối khí đốt với Hungary làm nguồn nhập khẩu duy nhất cho đến nay trong năm mới sau khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt Nga cho công ty năng lượng SPP của quốc gia Trung Âu này.
Tác động của việc thiếu vắng nguồn khí đốt giá rẻ của Moscow đối với các nước EU là không giống nhau, nhưng các quốc gia thành viên đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Ảnh: Al Jazeera
Các chuyên gia năng lượng trước đó đã cảnh báo rằng Áo, Hungary và Slovakia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi việc nhập khẩu khí đốt Nga qua Ukraine bị cắt đứt.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia EU đã tự "thu xếp" ổn thỏa để đảm bảo nguồn cung thay thế: Năm ngoái, công ty dầu khí nhà nước SOCAR của Azerbaijan đã bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho SPP – nhà bán buôn khí đốt lớn nhất Slovakia.
Sự kiện này diễn ra chỉ 1 tháng sau khi SPP ký hợp đồng thí điểm ngắn hạn để mua khí đốt từ Azerbaijan khi các bên chuẩn bị cho khả năng dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine bị ngừng lại.
SPP đã cam kết cung cấp cho các khách hàng, chủ yếu thông qua đường ống từ Đức và Hungary, mặc dù phải trả thêm phí vận chuyển.
Trong khi đó, Mỹ có khả năng trở thành bên hưởng lợi lớn nhất từ tình hình đang diễn ra ở châu Âu. Na Uy và Mỹ đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho "cựu lục địa".
Năm ngoái, Na Uy đã cung cấp 87,8 tỷ m3 khí đốt cho châu Âu, chiếm 30,3% tổng lượng nhập khẩu của lục địa này, trong khi Mỹ cung cấp 56,2 tỷ m3, chiếm 19,4% tổng lượng.
Ngoài ra, Mỹ còn là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho châu Âu. Dẫn chứng là năm ngoái, Mỹ chiếm gần một nửa tổng lượng LNG nhập khẩu của châu lục này, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp "xứ cờ hoa" cung cấp nhiều LNG cho châu Âu hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Mỹ đã cung cấp 27%, hay 2,4 tỷ feet khối mỗi ngày, tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021; 44% (6,5 tỷ feet khối mỗi ngày) vào năm 2022; và 48% (7,1 tỷ feet khối mỗi ngày) vào năm 2023. Trong khi đó, năng lực tiếp nhận LNG của châu Âu cũng đang tăng lên.
Năng lực nhập khẩu LNG hoặc tái khí hóa của châu Âu đang trên đà tăng lên 29,3 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2024, tăng 33% so với năm 2021.
Đức đang bổ sung công suất tái khí hóa LNG lớn nhất ở châu Âu, với việc các nhà phát triển trong nước đã bổ sung 1,8 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2023 và đang trên đà bổ sung thêm 1,6 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2024.
Minh Đức (Theo Oil Price)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cach-cac-nuoc-eu-tu-thu-xep-sau-khi-mat-dong-khi-dot-nga-qua-ukraine-20425010714143858.htm