Cách Ukraine điều khiển UAV khi không có GPS
Các phi công điều khiển UAV của Ukraine, đang vận hành phương tiện này trong điều kiện bị Nga gây nhiễu điện tử nặng nề, thường không biết chính xác vị trí thiết bị của mình, buộc họ phải dựa vào các mốc dẫn đường khác để điều hướng, một phi công chia sẻ với Business Insider.
Các dấu mốc định hướng có thể là "những tòa nhà trông kỳ lạ" hoặc các giao lộ. Phi công sử dụng những mốc này khi họ không thể sử dụng GPS để xác định vị trí và không chắc chắn UAV đang ở đâu trên các cánh đồng hay những dải rừng có hình dạng tương tự nhau, Dimko Zhluktenko - một người điều khiển UAV thuộc Lực lượng Phương tiện Không người lái của Ukraine nói với Business Insider.
Ảnh minh họa: Reuters
Tác chiến UAV trở thành một phần quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine giữa bối cảnh hai bên đang nhanh chóng phát triển các loại UAV mới cùng công nghệ đối phó với phương tiện này. Các biện pháp đối phó bao gồm tác chiến điện tử chẳng hạn như gây nhiễu, có thể nhắm vào kết nối giữa UAV và người điều khiển hoặc hệ thống định vị GPS của thiết bị.
GPS, hệ thống định vị vệ tinh, được sử dụng trong vũ khí, máy bay không người lái và các công nghệ dân sự như bản đồ số. Nó đóng vai trò thiết yếu trong các hệ thống quân sự và xã hội dân sự, tuy nhiên, các lãnh đạo quân sự ngày càng nhận thức được thực tế rằng chiến trường hiện đại có thể là môi trường không có GPS. Các loại vũ khí dựa vào GPS, bao gồm cả những vũ khí hiện đại của Mỹ, đã gặp khó khăn trên chiến trường Ukraine.
"Trên tiền tuyến gần như không có GPS. Vì vậy, một vấn đề then chốt là khi bay mà không có GPS, UAV mặc định rằng nó đang ở một vị trí trong khi thực tế là nó ở những vị trí hoàn toàn khác nhau", ông Zhluktenko nói.
Tác chiến điện tử có thể khiến dữ liệu định vị trở nên không đáng tin cậy và các yếu tố như gió cùng một số yếu tố khác có thể khiến UAV đi chệch hướng, không đáp ứng mục đích của người điều khiển.
Khi không có GPS, phi công phải quan sát hình ảnh từ camera gắn trên UAV và so sánh với ảnh vệ tinh cũng như bản đồ để xác định vị trí.
“Vì vậy, bạn buộc phải quan sát các dấu hiệu trực quan hiển thị qua camera của UAV, có thể là một cái hồ, một tòa nhà có hình dạng kỳ lạ hay một ngã tư khác thường và bạn phải xem xét tất cả những điểm mốc đó để định hướng, cơ bản là dẫn đường cho UAV vượt qua tiền tuyến", ông Zhluktenko cho hay.
“Người điều khiển sẽ vừa nhìn camera, vừa nhìn bản đồ, rồi xác định xem UAV đang ở đâu và nên đi đâu tiếp theo", ông Zhluktenko nói. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và ở một số khu vực tiền tuyến, điều đó đặc biệt khó khăn.
Thách thức ở miền Đông Ukraine và nỗ lực đối phó của hai bên
Miền Đông Ukraine, nơi phần lớn giao tranh đang diễn ra, rất bằng phẳng và có môi trường cảnh quan giống nhau, khiến các phi công khó tìm ra những đặc điểm nổi bật để xác định vị trí.
Ông Zhluktenko cho biết, ở miền Đông Ukraine, "một trong những vấn đề then chốt là tất cả những nơi này trông chúng đều giống hệt nhau. Cùng một kiểu cánh đồng, một kiểu rừng và gần như không có dấu hiệu trực quan nào để biết bạn đang ở đâu".
Địa hình bằng phẳng cũng khiến nhiều hình thái tác chiến khác trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như các đợt tấn công bằng xe tăng và xe bọc thép, vốn dễ bị UAV phát hiện từ xa.
Một phi công điều khiến UAV giấu tên khác của Ukraine cũng chia sẻ những trải nghiệm trương tự. Người này cho biết khi không có GPS, các tổ lái phải "dựa vào các mốc cố định để xác định phương hướng". Những mốc này có thể là "một tòa nhà, một cái hồ, một dòng sông hay một ngôi nhà nào đó".
Máy bay không người lái đã được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine nhiều hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử. Từ các loại máy bay không người lái cánh quạt nhỏ như quadcopter, octocopter đến các dòng máy bay không người lái cánh cố định cỡ lớn, phương tiện này đang đảm nhận các nhiệm vụ trinh sát, thu thập tọa độ mục tiêu, thả bom và tấn công cảm tử.
UAV có chi phí tương đối thấp nhưng đã tiêu diệt những mục tiêu có giá trị hàng triệu USD và thậm chí phá hủy cả các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến. Chúng đang làm thay đổi căn bản cách thức tiến hành xung đột.
Với Ukraine, quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các loại vũ khí khác, UAV trở thành một phương tiện chủ chốt. Trung tướng Peter Boysen, Tổng tư lệnh quân đội Đan Mạch - một đối tác quan trọng của Ukraine cho biết trong tháng này rằng, các UAV tấn công hiện đang chiếm hơn 70% tổng số thương vong mà phía Ukraine gây ra.
Việc máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi đã khiến các ngành công nghiệp quốc phòng của cả Nga và Ukraine bước vào cuộc chạy đua phát triển các biện pháp gây nhiễu và vô hiệu hóa UAV của đối phương. Đồng thời, hai bên cũng đang phát triển các dòng UAV thế hệ mới có khả năng kháng nhiễu hoặc vượt qua các hệ thống chống UAV hiện tại.
Một số hệ thống UAV tiên tiến đang được nghiên cứu và đưa vào triển khai bao gồm UAV sử dụng cáp quang, có dây nối trực tiếp giữa người điều khiển và thiết bị, giúp chống lại các đòn gây nhiễu và UAV tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider