Cách dạy con biết tiết kiệm tiền 'lì xì'

Cách dạy con biết tiết kiệm tiền 'lì xì'
4 giờ trướcBài gốc
Tết đến, trẻ nhỏ thường nhận được nhiều tiền lì xì, đây là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy con về quản lý tài chính và tiết kiệm. Các bà mẹ, ông bố trong gia đình chính là những người thầy đầu tiên dạy con biết khái niệm tài chính thông minh, từ bước tiết kiệm tiền bạc đơn giản nhất.
Giúp con tiết kiệm tiền bạc và gia tăng giá trị tài sản một cách thông minh
Theo chuyên gia, để dạy con biết tiết kiệm, hãy giúp con hiểu rằng tiền bạc có thể sinh lời theo thời gian, tiết kiệm là điều cần thiết để mình có thể sử dụng vào những mục đích dài hạn hơn thay vì các chi tiêu phung phí, ngắn hạn như giải trí, tiêu khiển, đồ chơi thiếu tính giáo dục.
Hãy giúp con hiểu rằng tiền bạc có thể tiết kiệm để sinh lời theo thời gian. Ảnh minh họa: IT
Thông thường, các bậc cha mẹ cũng ứng dụng kiến thức tiết kiệm tiền bạc trong chính chi tiêu của mình để làm gương cho con cái. Theo đó, các gia đình thường phân bổ tiền bạc vào 3 nguồn chính bao gồm: chi dùng sinh hoạt/du lịch, chi dùng học tập/giáo dục và tiết kiệm/tích lũy dự phòng.
Với cách phân bổ cơ bản này, cha mẹ đều có thể hướng dẫn con chia tiền thành các phần tương ứng: tiết kiệm, chi tiêu và chia sẻ.
Theo các chuyên gia, có 3 lưu ý sau cần nắm rõ khi học cách tiết kiệm:
1. Đặt mục tiêu và kế hoạch
Các bậc cha mẹ luôn cần dạy con chi tiêu có mục đích rõ ràng theo kế hoạch cần thiết cho bản thân. Các bạn nhỏ cần xác định chính xác mong muốn có thể thực hiện và có kế hoạch chia ra từng bước chắc chắn. Dựa trên các khoản tiền được tích lũy hàng năm và có khả năng sinh lợi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng...
Học sinh cần biết tiền bạc có thể dùng để giúp đỡ người khó khăn hoặc làm việc thiện. Ảnh minh họa: IT
Theo thời gian, cần chỉ cho con biết cách thức tiền bạc sinh lợi và từ đó, đo đếm được con số tiền cuối kỳ, từ đó lên kế hoạch chi tiêu cho những việc lớn trong đời. Ngoài ra, các bạn nhỏ cũng có thể tìm cách kiếm tiền thêm (tùy theo văn hóa và điều kiện của từng gia đình) từ các nguồn thu nhập phụ để hoàn thành kế hoạch nhanh chóng hơn.
2. Tiết kiệm, quý trọng cả tiền lẻ
Mỗi lần được nhận tiền lì xì, mua sắm hoặc được cho các khoản tiền lớn nhỏ, bạn nhỏ đều có thể học cách tích lũy cả những đồng tiền lẻ. Con trẻ cần biết giá trị "nhỏ tích lũy thành lớn" để giữ lại những đồng này và tích góp thành những khoản có giá trị lớn hơn.
Ngoài ra, trong giao dịch trực tiếp, các món hàng thường có giá trị không tròn. Các con cần biết khi thanh toán kết hợp tiền lẻ, các giao dịch sẽ nhanh chóng, chủ động quy đổi các khoản tiền nhỏ thành tờ tiền có mệnh giá lớn.
3. Ghi chép các khoản tiền ra - vào
Cùng với cách tiết kiệm theo kế hoạch, bạn nhỏ trong gia đình cần biết kiểm soát các khoản tiền, trong trường hợp phải chi tiêu nhiều hay ít, cha mẹ cũng nên dạy con cách ghi chép lại cụ thể. Quá trình này giúp mình xác định được các khoản đã chi có hợp lý hay không. Nếu khoản chi không hợp lý, cha mẹ có thể dạy con cách xem xét, hạn chế hoặc giảm hẳn.
Đối với các bạn học sinh còn trong độ tuổi đi học, phần tiết kiệm để dành cho những mục tiêu lớn như đi học, mua các vật dụng đắt tiền để phục vụ cho đời sống (labtop, điện thoại, phương tiện đi lại...), ngoài ra, các phần cần thiết như mua sách, dụng cụ học tập... cũng cần được phân bổ.
Nếu các gia đình đã có những khoản chi này, thì tiền tiết kiệm của các bạn học sinh đều có thể bỏ ống tích lũy.
Ngoài ra, học sinh cần biết dành một phần để chia sẻ, bác ái. Tiền bạc có thể dùng để giúp đỡ người khó khăn hoặc làm việc thiện, nuôi dưỡng lòng nhân ái.
Điều quan trọng nhất, cha mẹ nên làm gương bằng cách cùng con lập kế hoạch sử dụng tiền hợp lý. Khi trẻ hiểu giá trị của tiền bạc và công sức lao động, thói quen tiết kiệm sẽ hình thành một cách tự nhiên và có ích cho tương lai.
Quang Minh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/cach-day-con-biet-tiet-kiem-tien-li-xi-179250201072528851.htm