Cách để đại học Mỹ 'sống sót' qua nhiệm kỳ ông Trump?

Cách để đại học Mỹ 'sống sót' qua nhiệm kỳ ông Trump?
3 giờ trướcBài gốc
Ông Trump liên tục tấn công các trường đại học Mỹ. Ảnh: Reuters.
Theo David Kirp, giáo sư danh dự tại Đại học California tại Berkeley (Mỹ), giáo dục đại học Mỹ đang bị tấn công bởi chính quyền Trump.
Các trường đại học đang đối mặt với nhiều hình phạt, từ việc cắt giảm tài trợ liên bang đến mất tình trạng phi lợi nhuận và bị đánh thuế quỹ tài trợ. Chính quyền Trump còn yêu cầu được can thiệp vào việc tuyển sinh, tuyển dụng và chương trình giảng dạy của các trường.
Tự do học thuật - nền tảng của giáo dục đại học - đang bị đe dọa. Kinh nghiệm của Đại học Columbia cho thấy việc đàm phán với chính quyền Trump là vô ích, vì họ sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều hơn.
Trong khi đó, Đại học Harvard đã nhận được sự ủng hộ khi từ chối các yêu cầu của chính quyền, nhưng đó cũng là lựa chọn duy nhất của họ. Những yêu cầu của chính quyền thái quá đến mức nếu "đầu hàng", Harvard có lẽ nên đóng cửa.
Việc cắt giảm 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang và đe dọa thu hồi miễn thuế sẽ ảnh hưởng đến nghiên cứu, giảng dạy và hỗ trợ tài chính của Harvard. Tuy nhiên, với quỹ tài trợ hơn 50 tỷ USD, Harvard có thể tiếp tục hoạt động và đấu tranh pháp lý.
Nhưng các trường đại học khác như Northwestern hay California - Berkeley, với nguồn lực hạn chế hơn, sẽ gặp khó khăn hơn khi vào tầm ngắm của ông Trump.
Theo ông David Kirp, các trường đại học cạnh tranh trên nhiều mặt trận. Họ tranh giành các hợp đồng và tài trợ, giáo sư và sinh viên... để nâng cao vị thế của mình.
Nhưng trong thời điểm tuyệt vọng này, sự cạnh tranh giữa các trường đại học là không phù hợp. Ông Kirp cho rằng các trường đại học, dù công lập hay tư nhân, giàu hay nghèo, cần đoàn kết để bảo vệ tự do học thuật.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào tuần trước, hơn 200 hiệu trưởng đã ký một tuyên bố chung của Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Mỹ (AACU), lên án sự can thiệp chính trị của chính phủ liên bang.
Một số trường đại học hàng đầu như Stanford, Chicago và Dartmouth đã không tham gia. Có lẽ, các hiệu trưởng tin rằng chiến thuật "im lặng chịu đựng" là lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, như kinh nghiệm của Đại học Columbia cho thấy chiến lược này có thể không hiệu quả.
Giáo dục đại học từ lâu đã tự mãn với vị thế của mình, cho rằng người Mỹ luôn trân trọng giá trị cốt lõi của nó. Nhưng quan điểm này đã không còn phù hợp trong nhiều năm.
Tuyên bố nguyên tắc vừa được công bố cần được hỗ trợ bởi một chiến dịch mạnh mẽ, nhằm chứng minh vai trò quan trọng của các trường đại học và cao đẳng trong việc đào tạo thế hệ tương lai đóng góp cho xã hội, cũng như thực hiện các nghiên cứu tiên tiến, thiết yếu.
Tuyên ngôn của AACU là một bước khởi đầu đáng khích lệ, nhưng cần có những hành động quyết liệt hơn để giành phần thắng.
Các trường đại học giàu có cần hỗ trợ các trường có nguồn lực hạn chế, đặc biệt trong việc chi trả chi phí pháp lý đắt đỏ.
Ông Kirp gợi ý về một "NATO cho giáo dục đại học", một hiệp ước phòng thủ chung. Điều này có vẻ khó thực hiện, nhưng nó có thể thuyết phục chính quyền tại Nhà Trắng phải lùi bước.
Những thảm họa liên quan đến thuế quan gần đây là một ví dụ điển hình cho thấy một khi gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ, họ sẽ phải thay đổi chiến thuật.
Hơn nữa, các trường cao đẳng và đại học không có lựa chọn nào khác ngoài việc đoàn kết. Như Benjamin Franklin từng nói, họ phải "cùng nhau đứng vững, hoặc cùng nhau gục ngã".
Ngọc Bích
The Guardian
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cach-de-dai-hoc-my-song-sot-qua-nhiem-ky-ong-trump-post1550798.html