PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2025/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp. Trong đó, có trường hợp được xếp lương vào bậc 3, hệ số lương 10,0 của Bảng lương chuyên gia cao cấp, và được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng. Đây là biện pháp để thu hút, trọng dụng đối với người tài, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Với quy định của Nghị định mới thì lương của chuyên gia cao cấp, được hưởng chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ tương đương chức danh Bộ trưởng. Đây chính là sự trân trọng đối với các chuyên gia cao cấp, nhà quản lý có thâm niên, kinh nghiệm là cán bộ, công chức, viên chức, hoặc người đã nghỉ hưu, người làm việc ngoài hệ thống chính trị. Nghĩa là khi không còn làm trực tiếp quản lý nữa thì làm chuyên gia cao cấp. Đây cũng là điều phù hợp, nhưng chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn để tận dụng được chất xám, năng lực của những người có trình độ và còn đủ sức khỏe. Như việc kéo dài tuổi hưu đối với nam lên 62, nữ lên 60 trong Bộ luật Lao động cũng là chính sách để tận dụng năng lực đối với cán bộ công chức, viên chức.
Vừa qua, Thủ tướng đã thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách. Đây có phải là để tận dụng chất xám đối với các chuyên gia cao cấp?
Trước đây, các Thủ tướng đã có các Hội đồng như: Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; rồi Tổ tư vấn Kinh tế. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách. Đây cũng là cách để tận dụng chất xám của các chuyên gia cao cấp. Theo đó, tùy từng vào các lĩnh vực thì có thể thành lập các Hội đồng, Tổ tư vấn về vấn đề nào đó; thành viên của Hội đồng, Tổ có những tiêu chuẩn và số lượng nhất định.
Đội ngũ chuyên gia cao cấp thì nhiều, nhưng quan trọng là cách lựa chọn sao cho phù hợp, thưa ông?
Việc lựa chọn không chỉ dựa trên học vị học hàm như giáo sư hay phó giáo sư, tiến sĩ mà có người chỉ là thạc sĩ, kĩ sư nhưng nhiều khi chúng ta vẫn gọi họ là chuyên gia. Đó là những người nghiên cứu sâu, có kinh nghiệm, trình độ. Đơn cử ông Hồ Quang Cua là một kĩ sư, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhưng đã tạo ra nhiều giống lúa lai chất lượng cao, trong đó có 2 giống lúa gạo là ST24, ST25 được đánh giá là ngon nhất thế giới. Đó không phải là những người có học hàm, học vị cao nhưng họ có năng lực và đam mê, có trình độ thực tiễn nhờ tự học. Nêu ví dụ để thấy lựa chọn chuyên gia, người tài phải là người am hiểu sâu về lĩnh vực đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
H.Vũ (thực hiện)