Cách giành lại quyền làm chủ bộ não khi nghiện ChatGPT và các chatbot AI

Cách giành lại quyền làm chủ bộ não khi nghiện ChatGPT và các chatbot AI
20 giờ trướcBài gốc
Edison Earl (23 tuổi) hoàn thành xuất sắc công việc với tư cách là thực tập sinh tại Đại học Nghệ thuật Bournemouth (Anh). Trong 7 tháng qua, anh đã sản xuất nhiều nội dung tiếp thị hơn bao giờ hết và giúp tài khoản Instagram của trường tăng gấp đôi lượng người theo dõi.
Thế nhưng, Edison Earl lại cảm thấy khó nhận công trạng vì phần lớn việc của anh do ChatGPT đảm nhiệm. Hai năm qua, Edison Earl đã chuyển từ việc động não trên giấy sang trò chuyện gần như cả ngày với ChatGPT.
“Bạn có thể viết lại email này cho tôi không?”, “Bạn nghĩ gì về bài đăng mạng xã hội và sự kiện này?”... là những câu hỏi mà anh thường đặt cho ChatGPT. Không chỉ công việc, chàng trai 23 tuổi này còn nhờ ChatGPT hỗ trợ mọi thứ, từ chọn món ăn đến mua quần áo.
Edison Earl thẳng thắn thừa nhận anh đã trở nên lệ thuộc vào ChatGPT, chatbot AI do OpenAI phát hành hồi tháng 11.2022 và hiện được hơn 400 triệu người sử dụng thường xuyên. ChatGPT và những chatbot AI tương tự như Google Gemini hay Claude của Anthropic được quảng bá như trợ lý kỹ thuật số hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các thực tập sinh và nhân viên mới mà nhà báo Parmy Olson từng trò chuyện, một số người đang quá dựa dẫm vào AI, điều này có thể làm lu mờ con đường thăng tiến, suy giảm sự tự tin và làm gia tăng cảm giác mình là kẻ mạo danh (còn gọi là hội chứng kẻ mạo danh).
“Tôi tin tưởng nó đến mức mất đi niềm tin vào quyết định và suy nghĩ của chính mình”, Edison Earl nói.
Parmy Olson là cây viết công nghệ của Bloomberg Opinion -chuyên mục bình luận thuộc hãng tin nổi tiếng Bloomberg.
Hội chứng kẻ mạo danh là trạng thái tâm lý khi một người nghi ngờ năng lực bản thân, cảm thấy không xứng đáng với thành công hiện có và lo sợ người khác sẽ phát hiện ra mình “không đủ giỏi” dù có năng lực thật sự.
Theo một nghiên cứu năm 2025 của công ty BearingPoint (Hà Lan) khảo sát hơn 300 nhà quản lý ở châu Âu và Mỹ, nhân viên trẻ sử dụng công cụ AI nhiều hơn so với các quản lý trung và cao cấp, vì họ vẫn đang phát triển khả năng tự định hướng và ra quyết định dựa trên giá trị của bản thân.
Trong khi các lãnh đạo giàu kinh nghiệm thường bỏ qua các công cụ AI vì tin tưởng vào năng lực bản thân (có thể là hơi quá mức) thì nhân viên mới lại làm điều ngược lại.
Ngày càng nhiều thanh niên phụ thuộc vào ChatGPT trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân, dẫn đến sự suy giảm về tự tin và kỹ năng tư duy phản biện - Ảnh: Getty Images
“Trở nên lười biếng hơn”
Edison Earl nhớ lại cảm giác tự hào tột độ về công việc của mình trước khi bắt đầu dùng ChatGPT. Giờ đây, anh cảm thấy trống rỗng mà không rõ lý do. “Tôi trở nên lười biếng hơn… Tôi lập tức tìm đến AI vì trong đầu tôi nghĩ rằng nó sẽ đưa ra câu trả lời tốt hơn”, anh nói. Kiểu hình thành thói quen như vậy có thể ăn sâu và ảnh hưởng mạnh ở lứa trẻ hơn.
Một giám đốc nhân sự kể rằng nữ nhân viên mới gần đây thú nhận không biết cách đóng góp trong các cuộc họp nhóm. Khi được hỏi lý do, cô giải thích mình gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ phong tỏa vì COVID-19 và đã quen với tính năng giơ tay phát biểu trên Teams, nền tảng cộng tác và họp trực tuyến do Microsoft phát triển. Khi không còn biểu tượng cảm xúc bàn tay ngoài đời thực, nữ nhân viên phải học cách lên tiếng trong các cuộc họp.
Xói mòn tư duy phản biện
Quá trình lặp đi lặp lại việc nhờ AI hỗ trợ khiến người dùng hình thành thói quen và sự phụ thuộc vào nó, không chỉ giới hạn ở các quy tắc ứng xử trong môi trường làm việc, mà có thể làm xói mòn tư duy phản biện. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu của Microsoft đã cảnh báo và chính Edison Earl cũng nhận thấy.
“Tôi có cảm giác như não mình đang lười hoạt động. Tôi không còn thúc đẩy giới hạn của bộ não và suy nghĩ từ bản thân nhiều nữa”, anh thổ lộ.
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều tiêu cực. ChatGPT vẫn mang lại nhiều lợi ích. Nhờ chatbot này, Edison Earl đã theo dõi được chi tiêu ở quán rượu cùng các nơi khác và lần đầu tiên cân bằng được ngân sách của mình. Anh đã dùng camera điện thoại chụp ảnh các kệ trong cửa hàng để nhờ ChatGPT gợi ý chọn quần áo và kết quả là tự tin hơn với phong cách ăn mặc.
Thế nhưng, Edison Earl nhớ cảm giác khám phá khi đi mua sắm và cả những lần chọn đồ không phù hợp. “Cái khoảnh khắc tôi bước vào cửa hàng, thấy một món đồ và nghĩ ‘mình thích cái này’ - điều đó giờ không còn nữa. Tôi sắm đồ chỉ vì ChatGPT khuyên tôi nên mua”, anh nói.
Nghe có vẻ cực đoan, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ từng dùng AI để làm bài tập, đang phát triển sự lệ thuộc vào công nghệ này cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Một nghiên cứu gần đây cho rằng nguyên nhân đến từ cách mà chatbot AI hoàn thành công việc ngay lập tức và phản hồi với ngôn ngữ dễ chịu, thân thiện. Yếu tố thứ hai có thể còn mạnh hơn chúng ta tưởng.
Hãy nghĩ đến cảm giác sung sướng khi nhận lời khen và bạn sẽ hiểu tại sao ChatGPT cùng các chatbot AI khác thường phản hồi kèm lời nịnh nọt, cổ vũ. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, gần đây thừa nhận rằng phiên bản mới của ChatGPT trở nên quá “nịnh hót” và các kỹ sư công ty đang tìm cách giảm bớt điều đó.
Chính OpenAI cũng công bố nghiên cứu cho thấy, dù phần lớn người dùng ChatGPT có mối quan hệ lành mạnh với công nghệ này, thì một nhóm nhỏ người dùng chuyên sâu lại có dấu hiệu “lệ thuộc về mặt cảm xúc”.
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với 981 người tham gia cho thấy nhóm này biểu hiện “cách sử dụng có vấn đề”.
Sam Altman đang phải duy trì sự cân bằng tinh tế giữa giữ người dùng tiếp tục sử dụng ChatGPT, trả phí đăng ký hoặc có thể là xem quảng cáo, với việc không tạo thêm lý do khiến chúng ta ngày càng gắn chặt vào màn hình điện thoại.
Học cách sử dụng AI mà không để trí não bị thui chột
Nhận ra mình có thể đã hình thành thói quen xấu, Edison Earl gần đây đã hủy gói đăng ký ChatGPT trị giá 20 bảng Anh/tháng (30 USD/tháng). Chỉ sau hai ngày, anh đã cảm thấy mình làm được nhiều hơn trong công việc và thật kỳ lạ là năng suất hơn. “Tôi cảm thấy như mình đang thực sự làm việc trở lại. Tôi đang lập kế hoạch, suy nghĩ và viết lách”, nam thanh niên kể.
Tuy nhiên, việc từ bỏ hoàn toàn AI có thể không phải là giải pháp, đặc biệt khi người khác vẫn đang tận dụng công nghệ này để có lợi thế cạnh tranh. Thách thức hiện tại với Edison Earl và những chuyên gia trẻ khác là học cách sử dụng AI mà không để trí não bị thui chột.
“Tư duy phản biện là một loại cơ bắp (cần rèn luyện thường xuyên mới phát triển – PV)”, bà Cheryl Einhorn, người sáng lập công ty tư vấn Decision Services và giảng viên kiêm nhiệm tại Đại học Cornell (Mỹ), nhấn mạnh.
Để tránh phó mặc quá nhiều cho chatbot, Cheryl Einhorn đưa ra lời khuyên: “Hãy cố gắng suy nghĩ và đưa ra quyết định trước, sau đó kiểm chứng nó bằng AI”. Lời khuyên thứ hai của bà là hãy đặt câu hỏi phản biện với chatbot: “Chẳng hạn bạn có thể hỏi: Gợi ý này dựa vào đâu?”. AI cũng có thể thiên lệch giống con người, Cheryl Einhorn nói thêm.
Với Edison Earl, việc tìm kiếm sự cân bằng lành mạnh cùng AI có thể là một trong những thách thức lớn của thế hệ anh. Thế nhưng, các hãng công nghệ cũng nên xem xét thiết kế những sản phẩm giúp phát triển trí tuệ, thay vì làm thui chột nó. Sẽ rất cần những cuộc đối thoại rộng hơn về cách tạo ra ranh giới lành mạnh với AI.
Theo nhà báo Parmy Olson, sự thẳng thắn của Edison Earl về vấn đề này là đáng trân trọng và cần nhiều người hơn như thế.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/cach-gianh-lai-quyen-lam-chu-bo-nao-khi-nghien-chatgpt-va-cac-chatbot-ai-232353.html