Năm nay, một bức tranh rõ nét hơn đang dần hiện ra về cách Google hình dung tương lai của các sản phẩm cốt lõi, gồm cả “sự tái định hình hoàn toàn” với tìm kiếm, theo lời Giám đốc điều hành Sundar Pichai trong một buổi họp báo trước thềm I/O - hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển. Điều này gồm cả chế độ tìm kiếm mang tính hội thoại hơn có tên AI Mode và về sau là trợ lý AI có khả năng hiểu thế giới xung quanh bạn.
Google đang đối mặt với một nan đề lớn: Quảng cáo tìm kiếm chiếm phần lớn doanh thu hàng tỉ USD của công ty, nhưng biết rằng không thể cứ đứng yên và để đối thủ giành lấy thị phần.
Google đang cố gắng tích hợp AI vào sản phẩm chính của mình trước khi có ai khác làm điều đó tốt hơn. Song, họ không thể tiến hành quá vội vàng để tránh làm tổn hại đến “cỗ máy tạo lợi nhuận” (quảng cáo tìm kiếm - PV) của mình.
Trong quý 1/2025, Google kiếm được 50 tỉ USD doanh thu quảng cáo tìm kiếm, chiếm hơn một nửa tổng số 90 tỉ USD của công ty mẹ Alphabet nói chung.
Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google và Alphabet, tại sự kiện I/O 2025 - Ảnh: Google
Xây dựng tương lai của tìm kiếm
Google đã tiến từng bước với AI Overviews và tuần này sẽ triển khai AI Mode cho tất cả người dùng. Trong khi AI Overviews đưa ra phần tóm tắt kết quả ở đầu trang tìm kiếm thông thường, AI Mode cho phép người dùng bấm vào một thẻ mới để mở ra trải nghiệm hội thoại, với các nguồn thông tin phong phú và đa dạng hơn - tất cả vẫn dựa trên chỉ mục tìm kiếm của Google. Người dùng có thể đặt các câu hỏi tiếp theo ngay trong phiên trò chuyện.
“AI Mode không chỉ là một trải nghiệm được hỗ trợ bởi AI từ đầu đến cuối, mà còn là cái nhìn thoáng qua về tương lai của tìm kiếm nói chung”, Liz Reid, người đứng đầu Google Search, tuyên bố.
AI Mode sử dụng kỹ thuật query fan-out, tức là chạy nhiều truy vấn cùng lúc và trả về kết quả đồng thời. Google cho biết điều đó sẽ giúp việc tìm kiếm trở nên tốt hơn và người dùng có thể đặt các câu hỏi phức tạp hơn. Tính năng AI này chỉ là bước khởi đầu cho cách mà Google hình dung sự tiến hóa của tìm kiếm.
Ngoài ra, Google còn công bố hàng loạt tính năng mới nhưng đang giữ trong Labs, tức chỉ dành cho người dùng thử nghiệm sớm. Tuy nhiên, những tính năng đó chỉ ra Google nhìn thấy điều gì là tương lai của tìm kiếm.
Một ví dụ là Deep Search, cho phép người dùng nhập một câu hỏi cực kỳ dài, phức tạp và nhận lại bản báo cáo có trích dẫn đầy đủ, tương tự tính năng Deep Research trong Gemini. Thậm chí có cả phiên bản cho phép trả về dữ liệu thời gian thực kèm theo biểu đồ (ví dụ thống kê của các đội thể thao).
Labs là sáng kiến của Google để thử nghiệm và giới thiệu công khai các dự án, tính năng mới đang trong giai đoạn phát triển. Nó đóng vai trò như một sân chơi, nơi các ý tưởng táo bạo và thử nghiệm được đưa ra để người dùng có thể trải nghiệm sớm, cung cấp phản hồi trực tiếp cho kỹ sư Google.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ chuẩn bị cho phép người dùng cấp quyền để AI Mode truy cập vào các ứng dụng Google khác và lịch sử tìm kiếm của họ. Mục đích việc này là để AI có thể đưa ra câu trả lời và đề xuất mang tính cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về quyền riêng tư khi các công ty AI bắt đầu xây dựng bộ nhớ dài hạn vào các mô hình AI của họ.
Liz Reid cho biết một số tính năng từ AI Mode sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm tiêu chuẩn của Google và AI Overviews. Theo ông, động thái này nhằm giúp trải nghiệm tìm kiếm tiêu chuẩn Google được hưởng lợi từ các bước tiến của mô hình AI nền tảng.
“Kết hợp tất cả những điều đó, chúng tôi đang xây dựng tương lai của tìm kiếm. Việc tìm kiếm bắt đầu trở nên dễ dàng hơn”, Liz Reid nhấn mạnh.
Liệu Google có hình dung rằng AI Mode sẽ trở thành chế độ mặc định trong tương lai? Hàm ý là có, dù công ty sẽ theo dõi sát sao trong vài tháng tới để xem có bao nhiêu người nhấp vào thẻ AI Mode.
Trợ lý AI luôn đồng hành cùng bạn
Google cũng có tầm nhìn về một trợ lý AI luôn đồng hành cùng bạn.
Nếu từng biết Project Astra của Google, tác tử AI có khả năng nhìn nhận thế giới xung quanh (ra mắt tại I/O 2024), thì bạn đã có khái niệm khá rõ về điều công ty đang hướng tới. Google muốn xây dựng một trợ lý AI luôn ở bên bạn mọi nơi, trên smartphone hay kính thực tế tăng cường (AR), có thể quan sát, trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin chỉ trong vài giây, hoặc đơn giản chỉ là hỗ trợ bạn lập trình.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Đặc điểm của một tác tử AI
Tự động: Có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong suốt quá trình xử lý.
Nhận thức môi trường: Có thể cảm nhận hoặc thu thập dữ liệu từ môi trường thông qua các cảm biến, API, hoặc dữ liệu được cung cấp.
Ra quyết định: Dựa trên các thuật toán hoặc mô hình học máy, tác tử AI có thể phân tích dữ liệu và chọn hành động phù hợp.
Hành động: Tác tử thực hiện các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu, ví dụ như gửi thông báo, điều khiển thiết bị, hoặc cập nhật dữ liệu.
Tại I/O 2025, Google đã trình diễn phiên bản nâng cấp của Project Astra - tác tử AI đa phương thức có thể phản hồi và thực hiện lệnh bằng giọng nói theo thời gian thực, sử dụng camera điện thoại hoặc kính thông minh để quan sát thế giới. Một đoạn video được trình chiếu cho thấy nam thanh niên hỏi cách sửa xe đạp và đặt mua phụ tùng từ cửa hàng địa phương.
Google có kế hoạch tích hợp Project Astra trực tiếp vào tìm kiếm và sẽ cho phép truy cập tính năng này từ thiết bị chạy iOS của Apple, chứ không chỉ giới hạn ở hệ điều hành Android.
Từ mô hình thế giới đến trợ lý AI toàn diện
Tại I/O 2025, Google công bố sẽ mở rộng Gemini 2.5 Pro trở thành một “mô hình thế giới”, nghĩa là có khả năng hiểu những gì nó đang quan sát và lập kế hoạch. Trong ngôn ngữ AI, điều này nghĩa là đang trở nên “tự chủ” hơn.
Demis Hassabis, Giám đốc điều hành Google DeepMind, gọi đây là “những bước đi quan trọng” để xây dựng một “trợ lý AI toàn diện” có thể hiểu rõ người dùng và hành động thay họ.
“Các bản cập nhật gần đây cho Gemini là những bước quan trọng hướng tới việc mở khóa tầm nhìn của chúng tôi về một trợ lý AI toàn diện. Nó thông minh và hiểu được bối cảnh mà bạn đang ở, có thể lập kế hoạch và thực hiện hành động thay mặt bạn trên mọi thiết bị. Đây là mục tiêu cuối cùng của ứng dụng Gemini: Một AI mang tính cá nhân, tự chủ và mạnh mẽ”, Demis Hassabis nói.
Google tuyên bố Gemini 2.5 Pro vượt qua ChatGPT của OpenAI và Claude của Anthropic trong nhiều bài kiểm tra chuẩn, đặc biệt là lập trình.
Theo Giám đốc điều hành Sundar Pichai, Google vẫn có lợi thế phân phối lớn so với các đối thủ với 8,5 tỉ lượt truy vấn hằng ngày. Ông cho biết: “Tìm kiếm đang mang AI đến với nhiều người hơn bất kỳ sản phẩm nào khác trên thế giới”.
Chưa hết, Google sẽ triển khai rộng rãi Gemini Live (phiên bản có camera và chia sẻ màn hình) cho tất cả người dùng ứng dụng Gemini, và trình làng Veo 3 - mô hình tạo video có hỗ trợ ghép hiệu ứng âm thanh.
Cần phát triển nhanh hơn
Google cần phát triển nhanh hơn. Dù AI tạo sinh chưa phải là ngành kinh doanh cốt lõi như mảng tìm kiếm, công ty cho biết ứng dụng Gemini đã có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Một phân tích nội bộ của Google cho thấy Gemini vẫn còn thua kém ChatGPT của OpenAI và Meta AI về số lượng người dùng tính đến đầu năm nay, theo các tài liệu được trình bày tại tòa.
Nhiều tính năng “tự chủ” được Google công bố hôm 20.5 thực ra đã có ở các đối thủ nhỏ hơn, như công ty khởi nghiệp Anthropic và OpenAI. Tuy nhiên, những sản phẩm đó của Anthropic, OpenAI vẫn còn lỗi và thường xuyên gặp khó khăn trong các tác vụ cơ bản. Nếu có thể cung cấp trải nghiệm ổn định hơn nhờ nguồn tài nguyên khổng lồ và kho dữ liệu người dùng của mình, Google sẽ chiếm lợi thế.
Giống như Microsoft - công ty đang tổ chức hội nghị Build cho nhà phát triển vào tuần này, Google sẽ áp dụng giao thức ngữ cảnh mô hình do Anthropic phát triển. Đây là giao thức cho phép các tác tử AI giao tiếp với nhau theo định dạng tiêu chuẩn, rất cần thiết để điều hướng giữa nhiều ứng dụng và trang web.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/cach-google-dinh-nghia-lai-tuong-lai-tim-kiem-va-tro-ly-ca-nhan-toan-dien-voi-ai-232843.html