Cách làm hay của trạm y tế vùng sâu

Cách làm hay của trạm y tế vùng sâu
4 giờ trướcBài gốc
Hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh sốt huyết.
Tận dụng thùng xốp, khạp, lu, những vật dụng có sẵn để nhân giống cá bảy màu là mô hình được Trạm Y tế xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân duy trì thực hiện hơn 14 năm qua. Không chỉ phát cho người dân trong chiến dịch diệt lăng quăng, mà khi người dân đến trạm thăm khám, chữa bệnh cũng được nhân viên y tế của trạm tuyên truyền về bệnh SXH và các biện pháp phòng tránh bệnh, trong đó có nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng. Từ đó, kéo giảm bệnh trên địa bàn xuống đáng kể.
Trạm Y tế xã Rạch Chèo phối hợp cùng hội, đoàn thể mang cá bảy màu đến tận nhà để thả cho hộ dân.
Nhớ lại thời điểm năm 2010, dịch bệnh SXH bùng phát dữ dội, bệnh nhân không chỉ là trẻ em mà cả người lớn. Bác sĩ CKI Tô Hoàng Vĩnh, Trưởng trạm Y tế xã, chia sẻ: “Lúc đó, bệnh nhân đến thăm khám liên tục, nhất là thời điểm vào mùa mưa bùng phát bệnh SXH nhiều, ghi nhận từ 30-40 ca/năm. Trước thực trạng đó, Trạm Y tế xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát các bản tin về phòng, chống dịch bệnh SXH trên đài truyền thanh xã; cấp phát tài liệu, tờ bướm, tờ rơi tuyên truyền cho các hộ dân trên địa bàn các ấp; ra quân truyền thông về phòng chống bệnh SXH. Song song đó, mang cá bảy màu đến từng hộ gia đình để họ thả vào các lu, khạp, vật dụng chứa nước nhằm diệt lăng quăng”.
Tại Trạm Y tế luôn đảm bảo nguồn cá bảy màu cho bà con đến mang về nuôi.
Ban đầu trạm chỉ có vài thùng xốp để nuôi cá, nhận thấy nhu cầu cấp phát cho bà con trong xã còn nhiều nên trạm mở rộng việc nuôi cá bảy màu trong các bể lớn, sức chứa nhiều hơn. Sau đó, trạm vận động xã hội hóa để xây thêm 3 hồ (mỗi hồ 3 triệu đồng) để nuôi cá. Ðến thời điểm hiện tại, đã cấp phát phủ khắp các hộ dân trên địa bàn.
Bác sĩ Vĩnh cho biết: “Ðối với những hộ không thả cá thì vận động họ đậy kín nắp hoặc úp những vật dụng chứa nước không sử dụng, không cho muỗi có nơi sinh sản”.
Chính nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền nên ý thức phòng, chống dịch bệnh SXH của người dân ngày càng nâng lên. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 1 ca SXH, giảm 2 ca so với cùng kỳ. Từ tỷ số từ 30-40 ca/năm, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 1-2 ca/năm, đây là kết quả rất đáng phấn khởi.
Phụ người dân đỗ bỏ những vật dụng chứa nước không sử dụng.
Ông Dương Minh Luân chia sẻ: “Trạm Y tế xã Rạch Chèo được thành lập và đi vào hoạt động ngày 8/8/2006 theo Quyết định số 130/QÐ-UBND của UBND tỉnh. Trong những năm qua, trạm thực hiện khá tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; công tác tiêm phòng để phòng chống các dịch bệnh luôn được triển khai thực hiện kịp thời. Trạm không ngừng được nâng lên và phát triển về mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến các trang thiết bị phục vụ bệnh nhân; hiệu quả và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên. Từ đó, thu hút bệnh nhân đến Trạm Y tế khám bệnh ngày càng đông, bình quân khoảng 40-50 người/ngày, góp phần làm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng và tử vong cho bệnh nhân”.
Ông Dương Minh Luân, Phó chủ tịch UBND xã, nhận định: “Nuôi cá bảy màu trong các lu, khạp chứa nước sinh hoạt thường xuyên là một trong những biện pháp hiệu quả, thiết thực, dễ làm để diệt lăng quăng, không cho chúng phát triển thành muỗi truyền bệnh SXH trong cộng đồng. Hiện nay, Trạm Y tế xã đã nuôi 10 ao cá bảy màu và người dân của 5 ấp trong toàn xã đã nuôi trên 50 ao. Các ao này hằng năm cung cấp cho người dân trên địa bàn xã hơn 30 ngàn con cá bảy màu để nuôi trong lu, khạp nhằm khống chế, tiêu diệt lăng quăng, phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn”.
Kim Cương
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/cach-lam-hay-cua-tram-y-te-vung-sau-a34730.html