Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Nguồn: alamy.com
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã đánh tan một bộ phận lực lượng của chủ nghĩa tư bản và mở đường giải phóng cho giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới". Người nói: "Giống như mặt trời chói lọi. Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Trong lịch sử phát triển xã hội loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".
Cách đây tròn 107 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của V.I.Lê-nin, Đảng công nhân dân chủ xã hội Bôn-sê-vích Nga, sau khi tình thế giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản bằng biện pháp hòa bình không còn nữa, đã nhanh chóng chuyển hướng hành động tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, thực hiện khẩu hiệu "Hòa bình và ruộng đất" cho nhân dân, với tinh thần cách mạng tiến công "một ngày bằng 20 năm".
Đúng ngày 25/10/1917 theo lịch Nga (tức 7/11 dương lịch), thực hiện lời kêu gọi của Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang lật đổ Chính phủ lâm thời tư sản, chiến hạm Rạng Đông đã nã pháo vào Cung điện Mùa Đông, mở màn cho cuộc khởi nghĩa của các lực lượng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa vũ trang đã giành thắng lợi nhanh chóng ở Pê-tơ-rô-grát, và sau đó, lần lượt giành thắng lợi liên tiếp ở Mát-xcơ-va và các địa phương khác. Ngay trong đêm 25/10, vào lúc 10 giờ 10 phút, Đại hội II các Xô-viết toàn Nga đã được triệu tập khẩn cấp tại điện Xmôn-nưi. Đại hội long trọng tuyên bố chuyển toàn bộ chính quyền trong nước về tay các Xô-viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân, thành lập Chính phủ Xô-viết do Lê-nin đứng đầu; thông qua Sắc lệnh về hòa bình, kêu gọi các nước ngừng chiến để đàm phán; thông qua Sắc lệnh ruộng đất của địa chủ, chia ruộng đất cho nông dân; tuyên bố quyền tự quyết dân tộc, thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của các dân tộc sống trên lãnh thổ Nga. Những tuyên bố và sắc lệnh trên đây đã khẳng định hùng hồn Chính quyền Xô-viết mới được thành lập, về bản chất là chính quyền của nhân dân, vì nhân dân, đem lại quyền lợi cho nhân dân. Đó là một chính quyền hoàn toàn thuộc về nhân dân, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Như vậy là, chỉ trong một ngày, tận dụng thời cơ chín muồi của khởi nghĩa vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính của Lê-nin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nổi dậy lật đổ chính quyền tư sản và bọn phản cách mạng, phá tan chế độ bạo tàn của giai cấp tư sản và địa chủ, thành lập Chính quyền Xô-viết công nông đầu tiên trên thế giới do Lê-nin làm Chủ tịch, mở ra một thời đại mới của lịch sử loài người; thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mệnh của mình: Thời đại người nô lệ và các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi vĩ đại của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại chủ nghĩa thực dân cũ và mới suy sụp và lâm vào xu thế tất yếu diệt vong không thể cứu vãn, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản bộc lộ bản chất xấu xa với những khuyết tật thâm căn cố đế của nó; thời đại chủ nghĩa Mác-Lê-nin trở thành lương tâm, lý trí của loài người tiến bộ. Theo gương Cách mạng tháng Mười, hàng loạt phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nổ ra và giành thắng lợi. Một phần nhân loại được sống trong bầu trời hòa bình dân chủ, mà ở đó người lao động được tôn vinh, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Có thể nói, sự thắng lợi của Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Đó là mốc đánh dấu cho sự bắt đầu của thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng tháng Mười đã biến ước mơ cao đẹp của con người về một chế độ xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công, chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu với quyền làm chủ thuộc về nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… trở thành sự thật. Đây là điều kỳ diệu nhất mà chỉ đến thế kỷ XX con người mới đạt được không có ở bất kỳ một thế kỷ nào trước đó. Nó mãi mãi là tiếng kèn kêu gọi đấu tranh, cổ vũ và thúc giục mọi người vươn tới xóa bỏ mọi ngang trái, bất công, bạo tàn, mọi hiểm họa rình rập đe dọa con người mà không một thế lực nào có thể dập tắt và xóa bỏ được.
Sự khủng hoảng và sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ 20 có nhiều nguyên nhân mà nhân loại đến nay vẫn còn đang tiếp tục phân tích làm rõ. Tuy nhiên, sự sụp đổ ấy chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực. Đó không phải là sự sụp đổ của một Học thuyết cách mạng và khoa học về giải phóng giai cấp và xã hội, càng không phải là sự sụp đổ của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, của phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin vẫn tỏa sáng với tính cách mạng và khoa học của nó. Lý tưởng giải phóng con người vẫn là lý tưởng của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Phân tích sâu sắc những đặc điểm của thời đại, Đảng ta khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ Cách mạng tháng Mười Nga 1917, cho đến nay tính chất thời đại vẫn không hề thay đổi, nhưng Đảng ta nhận rõ tính chất phức tạp, quanh co và lâu dài của quá trình chuyển biến xã hội để thấy rõ những động thái, đặc trưng, xu hướng và tính chất trong giai đoạn hiện nay của thời đại.
Thực tiễn hơn 70 năm tồn tại và phát triển, Liên Xô luôn luôn là thành trì, là chỗ dựa tin cậy của cách mạng thế giới. Những thành tựu vĩ đại Liên Xô đạt được không ai có thể phủ nhận. Sự ra đời, lớn mạnh của Liên Xô, của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự phát triển của ba dòng thác cách mạng đã làm cho bộ mặt thế giới thay đổi, bức tranh toàn cầu trở nên sáng sủa, tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là một tác nhân cực kỳ quan trọng tạo nên sự biến đổi, thích nghi của chủ nghĩa tư bản để nó tiếp tục duy trì và kéo dài sự tồn tại, làm cho không ít người lầm tưởng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, bởi cái gọi là "thay đổi thích nghi". Chính hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu, hàng trăm cuộc chiến tranh khu vực và xung đột vũ trang và hiện nay thế giới đang chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang trên khắp các châu lục, đặc biệt là xung đột tại Nga - U-crai-na và khu vực Trung Đông hiện nay. Điều đó càng chứng tỏ bản chất không hề thay đổi của chủ nghĩa tư bản và ngày nay còn đang xuất hiện những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt và chủ nghĩa thực dụng trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười cùng với sự tồn tại và phát triển của Liên Xô trước đây và của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã góp phần to lớn ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thế giới, làm chỗ dựa tin cậy cho phong trào hòa bình thế giới, tạo điều kiện cho các dân tộc phát triển trong quan hệ hợp tác bình đẳng chính sự kết hợp giữa việc kiên trì những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác và việc vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể do Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại đã cung cấp cho mọi cuộc cách mạng những bài học vô giá, góp phần thúc đẩy cách mạng thế giới phát triển.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức và thuộc địa trên toàn thế giới, cổ vũ các dân tộc nâng cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đấu tranh chống sự áp đặt và can thiệp của nước ngoài, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nền văn hóa dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc, dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, trở thành một dòng thác cách mạng của thời đại, cùng lực lượng xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa hợp thành một sức mạnh to lớn đánh vào dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc.
Ngày nay, mặc dù thế giới đang biến động phức tạp, nhưng có thể khẳng định các lực lượng cách mạng và yêu chuộng hòa bình vẫn đang phát triển mạnh mẽ; phong trào đấu tranh chống sự áp đặt, thống trị của các siêu cường và sự bóc lột, nô dịch của các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia, đưa đất nước phát triển theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, bình đẳng hợp tác và phát triển vẫn là xu thế của thời đại. Chính vì vậy mà Đảng ta nhất quán cho rằng: Đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp ngày nay vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, với những nội dung và sắc thái mới; dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc chỉ có thể giành được độc lập thật sự, không bị lệ thuộc vào chính trị, kinh tế, văn hóa, khi họ thực hiện các cuộc đấu tranh của mình theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên hành trình tìm đường cứu nước, đến với Cách mạng Tháng Mười, đến với Lê-nin, đã rút ra một kết luận đặc sắc; muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Người, cách mạng Việt Nam đã liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thắng lợi của những cuộc chiến đấu oanh liệt để bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và thành tựu của 38 năm đổi mới càng khẳng định mục tiêu và sự lựa chọn con đường đi lên của dân tộc là đúng đắn. Những thắng lợi đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được soi sáng bởi Cách mạng Tháng Mười và lý luận Mác - Lê-nin đó chính là con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, con đường duy nhất đúng đắn đưa sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta càng cảm nhận giá trị và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga mà Lê-nin là người sáng lập và dẫn dắt đi đến thành công. Cách mạng tháng Mười đã để lại cho chúng ta bài học lớn, đó là nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, vững vàng trước mọi sóng gió quốc tế hay khu vực, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.
Hoàng Thành Hậu, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng