Chính phủ Đan Mạch không chỉ trợ giá cho sản phẩm hữu cơ mà còn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng nhãn carbon cho các sản phẩm này. (Nguồn: Shutterstock)
Theo Cổng thông tin Food Nation (Đan Mạch), dân số toàn cầu dự báo đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050, kéo theo nhu cầu tăng 50% sản lượng lương thực. Báo cáo năm 2021 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, hệ thống thực phẩm, bao gồm con người và các quy trình sản xuất, phân phối, đang gây ra một phần ba lượng khí nhà kính toàn cầu, góp phần vào suy thoái đất, khan hiếm nước, mất đa dạng sinh học và gia tăng các bệnh không lây như béo phì, tiểu đường.
Trước thách thức đó, FAO nhận định hệ thống thực phẩm toàn cầu chịu áp lực kép: vừa phải bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, vừa phải giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, chuyển đổi xanh thực phẩm là xu hướng tất yếu.
"Lá cờ đầu" về nông nghiệp hữu cơ
Từ lâu, Đan Mạch được xem là quốc gia tiên phong toàn cầu trong nông nghiệp bền vững, nhờ kết hợp công nghệ hiện đại, sáng tạo và cam kết mạnh mẽ với quản lý môi trường. Ngay từ năm 1995, nước này đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nông sản hữu cơ qua các chính sách đồng bộ như hỗ trợ tài chính, kiểm định nghiêm ngặt. Chính phủ phối hợp chặt chẽ với nông dân, hiệp hội ngành hàng và giới nghiên cứu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn chuỗi giá trị.
Chính phủ Đan Mạch không chỉ trợ giá sản phẩm hữu cơ mà còn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng nhãn carbon, đưa thực đơn xanh vào trường học, bệnh viện, qua đó góp phần định hình thói quen tiêu dùng bền vững.
Theo ấn phẩm Thế giới của nền nông nghiệp hữu cơ do Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ Thụy Sỹ (FiBL) và Liên đoàn quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) công bố năm 2023, Đan Mạch là quốc gia có tỷ lệ tiêu dùng thực phẩm hữu cơ cao nhất châu Âu (~13%). Nghiên cứu của Mạng lưới chính sách nông nghiệp chung EU (EU CAP Network) cho thấy, trong năm 2020, 55% người dân nước này mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần.
Chuyển đổi xanh là việc tạo ra sự cải thiện phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro môi trường và hủy hoại sinh thái, gồm các đặc điểm: tỷ lệ phát thải carbon thấp, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP)
Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế (IFPRI) đánh giá Đan Mạch là hình mẫu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững nhờ chính sách hỗ trợ đồng bộ, giám sát chất lượng nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức cộng đồng. Năm 2018, bản cập nhật Kế hoạch hành động hữu cơ (2011–2020) của nước này đã giành Giải bạc về chính sách tương lai – giải thưởng danh giá do Hội đồng Tương lai thế giới (WFC) trao tặng, được ví như “Nobel xanh”.
Theo EU CAP Network, các quốc gia có thể rút ra nhiều bài học từ mô hình nông nghiệp hữu cơ tiên phong của Đan Mạch. Trước hết là việc xây dựng tầm nhìn chung và tạo đồng thuận giữa các bên liên quan – từ nông dân, nhà bán lẻ đến nhà hoạch định chính sách – nhằm duy trì vị thế dẫn đầu về hữu cơ. Một nghị trình thống nhất, với sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư, giúp “cỗ máy hữu cơ” Đan Mạch vận hành và thích ứng linh hoạt.
Bài học tiếp theo là lấy thị trường làm động lực, chuyển đổi sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường chứ không đi trước. Điều này đòi hỏi nghiên cứu hành vi tiêu dùng để định hướng chính sách. Đồng thời, cần linh hoạt trong tiếp cận giữa nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp hữu cơ, tránh áp đặt lý tưởng hóa. Để phát triển bền vững, thông điệp hữu cơ nên gắn với các mục tiêu rộng như nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, đa dạng sinh học, thời vụ, giá cả công bằng.
Tiên phong chống lãng phí
Lãng phí và thất thoát thực phẩm là thách thức lớn đối với hệ thống thực phẩm toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, xã hội và kinh tế. Cộng đồng quốc tế đã và đang tìm cách giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được đưa ra vào năm 2015.
Một bài báo mang tên “Những nhà tiên phong trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm: Thực hiện các chính sách ngăn chặn lãng phí thực phẩm ở Hàn Quốc, Pháp và Peru” do Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm toàn cầu, Phòng chính sách và luật thực phẩm thuộc Trường Luật Harvard, cùng Trung tâm methane toàn cầu công bố vào ngày 12/2/2025, đã đưa ra những đánh giá và kinh nghiệm từ ba quốc gia tiên phong này.
Hàn Quốc nổi bật với các luật nghiêm ngặt về lãng phí thực phẩm, trong đó có hệ thống PAYT (trả tiền cho mỗi lần vứt), triển khai từ năm 2005, cùng với lệnh cấm vứt bỏ thực phẩm ở các bãi chôn lấp. Đến năm 2020, hệ thống PAYT giúp giảm hơn 30% lượng rác thực phẩm và nâng cao ý thức cộng đồng. Nước này tái chế hơn 95% rác thực phẩm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc năng lượng sinh học, theo số liệu năm 2022.
Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật cấm siêu thị vứt bỏ hoặc tiêu hủy thực phẩm không bán được. Các siêu thị phải quyên tặng thực phẩm còn sử dụng được cho các tổ chức từ thiện và ngân hàng thực phẩm, nếu không sẽ bị phạt hơn 3.700 Euro. Thực phẩm còn hạn sử dụng thì phân phát cho người vô gia cư, trong khi thực phẩm quá hạn sử dụng làm thức ăn gia súc.
Peru triển khai các chính sách tương tự để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và lãng phí. Quốc gia này là nơi đầu tiên ngoài châu Âu ban hành yêu cầu quyên góp thực phẩm năm 2016. Sau khi áp dụng luật này, số lượng quyên góp thực phẩm cho Ngân hàng thực phẩm Peru tăng gấp ba lần trong năm sau đó.
Ba quốc gia trên đã thành công trong việc giảm lãng phí thực phẩm hoặc tăng quyên góp thực phẩm, đồng thời giảm lượng thải methane, cung cấp những bài học giá trị cho cộng đồng quốc tế. Một trong những yếu tố quan trọng trong thành công của họ là cách tiếp cận theo từng giai đoạn và cấp độ, giúp việc triển khai chính sách diễn ra một cách từ từ và hiệu quả. Điều này bao gồm việc áp dụng hệ thống phân cấp chất thải thực phẩm, ưu tiên tái phân phối thực phẩm cho người và động vật tiêu thụ, tiếp theo là gửi đi tái chế hoặc chuyển đổi thành thức ăn chăn nuôi, phân trộn, hoặc khí sinh học.
Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lượng phân bón hữu cơ chiếm trên 30% lượng phân bón cung ứng trên thị trường và phát thải khí nhà kính từ hệ thống lương thực thực phẩm giảm 10% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, chiến lược toàn chính phủ cũng là yếu tố quan trọng, khuyến khích sự tham gia của nhiều tổ chức khác nhau trong việc giám sát các vấn đề liên quan đến thực phẩm và thu hút các bên liên quan vào tất cả các giai đoạn của chiến lược chống lãng phí. Chính phủ cũng cần liên tục đánh giá lại các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực để hỗ trợ các hệ thống xử lý chất thải hữu cơ và thu hồi thực phẩm.
Việc sử dụng các khuôn khổ và phương pháp luận tiêu chuẩn do các tổ chức uy tín như Liên minh châu Âu (EU), FAO phát triển để đo lường thất thoát và lãng phí thực phẩm là một yếu tố quan trọng giúp các quốc gia đánh giá và điều chỉnh chính sách một cách khoa học và hiệu quả.
Nhiều quốc gia khác triển khai các mô hình chuyển đổi xanh hiệu quả, như Hà Lan và Costa Rica. Trong trả lời phỏng vấn với Báo Thế giới và Việt Nam ngày 13/4, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ rằng đất nước Tây Bắc Âu, với đặc điểm nằm dưới mực nước biển, là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Hà Lan sử dụng công nghệ nhà kính tiết kiệm nước và phân bón, giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Họ thúc đẩy sản xuất giảm phát thải thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng chất thải thực phẩm để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Về phần Costa Rica, hồi tháng 1/2025, Tổng giám đốc Mạng lưới nông nghiệp bền vững (SAN) José Campos nhận định trong nghiên cứu “Sự phủ xanh lại của Costa Rica: Câu chuyện thành công có thể nhân rộng?” rằng, đất nước Trung Mỹ này tự chuyển mình từ quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới thành hình mẫu toàn cầu về sử dụng đất và bảo tồn bền vững. Đây là quốc gia đang phát triển đầu tiên khôi phục được độ che phủ rừng.
Chuyển đổi sang một hệ thống thực phẩm xanh là khả thi nếu có quyết tâm chính trị và tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, như Giám đốc toàn cầu của UNDP Andrew Bovarnick nhận định, điều quan trọng đầu tiên là thừa nhận cần phải chuyển đổi toàn bộ hệ thống thực phẩm. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia chủ động của toàn bộ chính phủ, từ đó mới có thể thúc đẩy các can thiệp mang tính hệ thống, hướng tới một xã hội thực phẩm công bằng, lành mạnh và bền vững.
Hoàng Hà