Thời điểm này của 20 năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, với những quan điểm, tư tưởng rất tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa được nhiều. Nay trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cho rằng đang có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cải cách.
“Chúng ta đang chứng kiến những chuyển động lớn về tổ chức bộ máy cơ quan lập pháp, hành pháp. Nhưng tư pháp thì dường như có phần bị động” - Trung tướng Trần Văn Độ nói khi trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM.
Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VPQH
Cơ hội không nên bỏ lỡ
. Phóng viên: Thời điểm này có gì khác so với 20 năm trước, khi ông tham gia quá trình xây dựng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP, thưa ông?
+ Trung tướng Trần Văn Độ: Có sự đồng bộ hơn rất nhiều. Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết chuyên đề về nhà nước pháp quyền (Nghị quyết 27 ngày 9-11-2022) đặt ra những yêu cầu cụ thể, có tính đồng bộ cả ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy là hơn hẳn Nghị quyết 49, chỉ ở cấp Bộ Chính trị và chỉ tập trung vào CCTP.
Đến nay, nhận thức của hệ thống về tư pháp đã rõ ràng hơn, thống nhất hơn. Về mặt hiến định, Hiến pháp 2013 đã khẳng định tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Về mặt lý luận, đã xác định rõ tư pháp gồm bốn nhóm quyền: Quyền xử lý vi phạm pháp luật, quyền giải quyết tranh chấp, các quyết định liên quan đến quyền con người phải do tòa án thực hiện, các phán quyết và thỏa thuận ngoài tòa án phải được tòa án công nhận.
Quan điểm về tổ chức tòa án theo cấp xét xử đã được thể chế hóa vào Hiến pháp 2013, quy định TAND gồm TAND Tối cao và các tòa án khác do luật định chứ không dùng khái niệm TAND địa phương như các bản Hiến pháp trước.
Chúng ta cũng đã có đội ngũ luật sư đang dần khẳng định vị thế của mình. Và đặc biệt, nhận thức về vai trò của Hiến pháp và pháp luật đã cải thiện rất nhiều khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng được đẩy mạnh và điểm nghẽn thể chế gần đây được người đứng đầu nhấn mạnh phải tháo gỡ.
Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
. Công an đã bỏ cấp huyện, ở địa phương chỉ còn cơ quan điều tra của công an tỉnh. Tòa án, VKS, thi hành án cũng đang khẩn trương xây dựng đề án để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Ông có cảm nhận được tinh thần CCTP lúc này?
+ Qua trao đổi với anh em thẩm phán, kiểm sát viên thì tôi thấy chưa có chuyển động đáng kể. Dường như những điều chỉnh tới đây về tổ chức, bộ máy cơ quan tố tụng sẽ chỉ dừng ở mức để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp và với việc ngành công an đã chủ động tập trung cơ quan điều tra địa phương về một đầu mối cơ quan điều tra cấp tỉnh.
Nếu chỉ dừng lại như vậy thì sẽ là một sự lãng phí về cơ hội cải cách mà cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang mở ra. Chưa kể, nếu chỉ dừng lại như vậy thì vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng đã nêu rõ trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về CCTP và Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2022 về nhà nước pháp quyền.
“Đối với tòa phúc thẩm thì không nhất thiết tỉnh nào cũng phải tổ chức. Tới đây sáp nhập tỉnh, cả nước còn khoảng 34 tỉnh, TP thì chỉ cần thiết lập 10 tòa án phúc thẩm theo khu vực.”
Trung tướng Trần Văn Độ
Mô hình tòa án theo cấp xét xử từ chỉ dẫn cải cách của Đảng
. Cụ thể là gì, thưa ông?
+ Trong hai nghị quyết quan trọng này, yêu cầu, nhiệm vụ cũng như giải pháp CCTP được nêu rất rõ. Đó là phải xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Phải hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp. Bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đảng cũng yêu cầu phải khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử.
Phải xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Về mặt tổ chức thì hệ thống tòa án phải được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Còn VKS thì phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương. Ảnh: QH
. Nếu theo tinh thần CCTP được thể hiện trong Nghị quyết 49, Nghị quyết 27 thì tòa án nên tổ chức lại như thế nào?
+ Yêu cầu đặt ra là tư pháp phải chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính... thì một phần giải pháp cũng đã được chỉ ra, đó là tòa án cần được tổ chức theo cấp xét xử. Như vậy theo tôi, cần tổ chức lại hệ thống tòa án gồm các tòa sơ thẩm, các tòa phúc thẩm và TAND Tối cao.
Tòa sơ thẩm thì gồm ba loại:
- Tòa sơ thẩm chung (giống như TAND huyện hiện nay) xử án hình sự, dân sự đơn giản.
- Tòa sơ thẩm cấp hai (hoặc tòa đệ nhị cấp) chuyên xử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, cùng án dân sự phức tạp.
- Tòa chuyên biệt: Theo nhu cầu hiện nay nên có hai tòa là tòa án gia đình và người chưa thành niên - chuyên xử các vụ liên quan tới người chưa thành niên và tòa án hành chính - chuyên xét xử án hành chính.
Các tòa án này nên tổ chức thành các cơ quan riêng, độc lập, gồm chánh án, các phó chánh án và các thẩm phán chứ không đặt chung vào một tòa khu vực hay một TAND huyện, TAND tỉnh theo cách lâu nay.
Đối với tòa phúc thẩm thì không nhất thiết tỉnh nào cũng phải tổ chức. Tới đây sáp nhập tỉnh, cả nước còn khoảng 34 tỉnh, TP thì chỉ cần thiết lập 10 tòa án phúc thẩm theo khu vực.
Trên cùng, TAND Tối cao chỉ tập trung tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm - tức phá án.
Tổ chức thành các tòa án riêng theo thẩm quyền xét xử như vậy sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp của tòa án cũng như của thẩm phán. Qua đó sẽ thúc đẩy tư pháp liêm chính, trách nhiệm, hiện đại.
. Nhưng như vậy thì có đáp ứng yêu cầu tinh gọn không?
+ Tinh gọn, chuyên nghiệp hơn nhiều chứ. Như Hà Tĩnh hiện nay có 10 TAND huyện làm nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, cùng TAND tỉnh vừa xử sơ thẩm vừa xử phúc thẩm.
Vậy thì có thể tổ chức lại thành ba tòa án sơ thẩm chung, một tòa án sơ thẩm cấp hai, một tòa án gia đình và một tòa án hành chính. Như vậy là chỉ có sáu tòa án sơ thẩm. Còn xử phúc thẩm chỉ để cho tòa phúc thẩm phụ trách khu vực, trong đó có Hà Tĩnh. Rõ ràng là tinh gọn, chuyên nghiệp hơn hẳn.
Bài toán giảm tải cho ngành tòa án
. Cả nước chỉ tổ chức 10 tòa phúc thẩm thì liệu có kham nổi số lượng rất lớn án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không?
+ Đây là vấn đề mà chúng ta phải giải quyết. Hiện nay, số bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị đang quá nhiều và không thực chất khiến cho xét xử phúc thẩm bị quá tải.
Cũng như vậy, kháng nghị giám đốc thẩm cũng quá nhiều, có phần tùy tiện, dẫn tới giám đốc thẩm thành cấp xét xử thứ ba, vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử. Đấy là vấn đề kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ, đã được chỉ ra từ 20 năm trước trong Nghị quyết 49.
. Giải pháp như thế nào, thưa ông?
+ Không thể tiếp tục chuyện sai thủ tục tố tụng một chút cũng kháng nghị, dù sau đó xử lại phần tuyên án vẫn giữ nguyên. Rất mất công, tốn kém, áp lực không cần thiết và thực chất là vi phạm luật tố tụng.
Các luật tố tụng của ta đều quy định chỉ trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật… thì mới kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cũng như vậy, khi xử phúc thẩm, chỉ trường hợp có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật thì cấp phúc thẩm mới hủy bản án sơ thẩm…
. Nhưng bị can, bị cáo, bị hại, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải được quyền hưởng chế độ xét xử hai cấp. Họ có quyền kháng cáo và cấp phúc thẩm phải xem xét chứ?
+ Đúng nhưng chưa đủ.
Một khía cạnh vừa lý luận vừa thực tiễn là trong vụ án hình sự, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của bị cáo trước Nhà nước chứ không phải trước bị hại. Như vậy chỉ có VKS, cơ quan công tố mới có quyền kháng nghị là bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm hình sự tuyên như vậy là nặng hay nhẹ, đã tương xứng với hành vi phạm tội chưa.
Tuy nhiên, chúng ta lại quy định cho bị hại quyền kháng cáo cả phần trách nhiệm hình sự. Theo tôi, vấn đề này cần phải sửa đổi. Bị hại chỉ nên kháng cáo phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự, chẳng hạn bồi thường như vậy đã công bằng, đúng đắn chưa.
Ngoài ra, để giảm áp lực điều tra, truy tố, xét xử cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm thì nên tiếp tục hoàn thiện cơ chế xét xử rút gọn, khuyến khích thỏa thuận nhận tội.
Theo tôi, nên tổ chức thêm một tòa chuyên biệt hoặc một thủ tục dưới hình thức tòa giản lược để áp dụng với những vụ việc đơn giản. Thỏa thuận nhận tội được thì không cần mất nhiều công sức, tiền bạc, nhân lực để điều tra, truy tố nữa. Xét xử chỉ cần một thẩm phán và xử rất nhanh gọn. Đã nhận tội thì bị cáo sẽ được khoan hồng, xử nhẹ nhưng đồng thời không có quyền kháng cáo, VKS đã tham gia đầy đủ vào quá trình ấy cũng không có quyền kháng nghị.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến bối cảnh mới, chẳng hạn đã có thể tính tới mô hình tòa án số. Vụ án phi hình sự thì có thể xét xử trực tuyến chứ không nhất thiết tập trung một chỗ. Thực tế tố tụng trọng tài đã có hình thức trực tuyến rồi: Đương sự người ở TP.HCM, người đầu Hà Nội, thậm chí các thành viên hội đồng trọng tài cũng vậy…
Nếu chúng ta có quyết tâm cải cách và tuân thủ các nguyên tắc tố tụng phổ quát thì không chỉ tòa án mà cả cơ quan điều tra, công tố cũng sẽ đỡ áp lực rất nhiều. Việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế cũng hiệu quả hơn. Tiêu cực trong hoạt động tư pháp, nhất là phát sinh trong quá trình kháng cáo, kháng nghị cũng sẽ giảm theo.
. Việc sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động tư pháp đang được tiến hành rất gấp gáp, theo yêu cầu của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy có tính chất “vừa chạy vừa xếp hàng”. Vậy ý tưởng cải cách như ông nói có khả thi?
+ Quan trọng nhất là mục tiêu, quan điểm CCTP và rộng hơn là xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng đã rất rõ ràng rồi. Vấn đề là chúng ta quyết tâm triển khai như thế nào?
Tôi nghĩ là có thể cần bước đi, lộ trình nhưng phải có tầm nhìn ngay từ bây giờ.
. Xin cảm ơn Trung tướng.•
Cần mạnh dạn trao quyền cho thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên
VKS thực hiện chức năng công tố thì nên tổ chức theo sát cơ quan điều tra chứ đừng lệ thuộc vào tòa án. Nay hệ thống cơ quan điều tra đang được chuyển đổi sang mô hình hai cấp của công an thì VKS cũng nên như vậy.
Vấn đề là tập trung một đầu mối cấp tỉnh thì nên mạnh dạn đề cao vai trò, trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên. Hãy trao cho họ thẩm quyền ký các văn bản tố tụng. Không nên duy trì cách thức lâu nay là cứ phải thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng, phó viện trưởng VKS ký đủ thứ giấy tờ tố tụng, trong khi không trực tiếp làm.
Thẩm phán đã chịu trách nhiệm đến cùng, xét xử và ký bản án mà họ chủ tọa xét xử bao nhiêu năm nay rồi. Vậy thì các điều tra viên, kiểm sát viên được phân công trực tiếp thụ lý cũng nên để họ chịu trách nhiệm đến cùng.
Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ
NGHĨA NHÂN thực hiện