Cách nào để TP.HCM giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm?

Cách nào để TP.HCM giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm?
một ngày trướcBài gốc
Sáng 13-11, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp UBND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn TP.HCM”.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường điều hành phiên thảo luận. Ảnh: THANH THÙY
Dân vận khéo giúp Vành đai 3 trở thành công trình kiểu mẫu
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Võ Trung Trực, cho biết từ năm 2022 đến nay, địa bàn có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai thực hiện.
Trong đó, có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia được quan tâm triển khai như Vành đai 3; Metro số 1, số 2…
Đến nay, dự án Metro số 2 TP.HCM, Bến Thành - Tham Lương, có 585 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, đã bàn giao 576/585 trường hợp, đạt tỉ lệ 98,5%. Dự án Vành đai 3 có 1.692 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, đã bàn giao 1.689/1.692 trường hợp, đạt tỉ lệ 99,82%.
Với dự án Nhà ga T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, có 2 trường hợp là tổ chức của quân đội bị ảnh hưởng bởi dự án cũng đã bàn giao 100% mặt bằng.
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Võ Trung Trực nêu kinh nghiệm trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Ảnh: THANH THÙY
Để đạt được kết quả này, ông Võ Trung Trực cho rằng đó là nhờ sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở. Cách thức thực hiện vừa tạo điều kiện để thực hiện công tác chỉnh trang và phát triển đô thị, vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đồng thời cũng nhằm giảm bớt vấn đề khiếu kiện, khiếu nại của người dân.
Trong đó, ông Trực đánh giá công tác dân vận rất quan trọng, truyền tải ý nghĩa, lợi ích của dự án đem lại, giúp người dân hiểu, đồng thuận việc thực hiện dự án và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Nêu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án Vành đai 3, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết TP đã thành lập ban chỉ huy riêng cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với dự án này.
Đến nay, công tác GPMB của dự án được 99,8%, với 1.689/1.692 trường hợp đã đồng ý bàn giao mặt bằng.
Để đạt được kết quả trên, công tác vận động, tuyên truyền được tập trung thực hiện ngay từ đầu, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của cơ quan báo chí, truyền thông. Từ đó, kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp trong chính sách, phương án bồi thường để kiến nghị giải quyết.
Đại diện quận Tân Bình trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: THANH THÙY
Ở cấp địa phương, các nơi thành lập các tổ tuyên truyền, vận động với nòng cốt là cán bộ hưu trí, những người có uy tín, người bị ảnh hưởng bởi dự án để tiếp xúc, vận động người dân, nắm được tâm tư nguyện vọng thực tế. Ngoài ra, tổ này còn tận dụng những ngày nghỉ, lễ, ngoài giờ để tuyên truyền, vận động, tránh ảnh hưởng đến công việc, xáo trộn cuộc sống của người dân.
Khi triển khai thực hiện dự án, Ban Giao thông đã có những giải pháp để cùng phối hợp với địa phương xác định và đánh giá tất cả các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội của các hộ gia đình bị ảnh hưởng trong vùng dự án như mức độ thiệt hại kinh tế việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, môi trường sống...; lập ra kế hoạch phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ bị ảnh hưởng.
Chậm giải phóng mặt bằng gây thất thoát ngân sách
Dự hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận, công tác GPMB có vai trò quyết định đến hiệu quả đầu tư, tiến độ công trình, dự án và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
“Việc chậm trễ trong công tác GPMB dẫn đến dự án kéo dài, gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân và là cơ hội để các thế lực, đối tượng cực đoan, chống đối, lợi dụng, kích động người dân tố cáo, khiếu nại, khiếu kiện gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội” - ông Hải cho biết.
Lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành riêng Chỉ thị số 18 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM, một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy phát triển TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải
Ông Nguyễn Hồ Hải ghi nhận những nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc vận động người dân cùng tích cực tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Điển hình là dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM..
“Đây là một trong những dự án được đánh giá là kiểu mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là trong công tác vận động Nhân dân để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng” - ông Hải đánh giá.
Dù vậy, ông Nguyễn Hồ Hải nói cần nhìn thẳng vào sự thật là hầu hết các công trình, dự án đều chậm tiến độ, có dự án đã kéo dài hàng chục năm kể từ khi có chủ trương và đã nhiều lần gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
“Công tác kiểm tra, giám sát tại một số dự án chưa được chặt chẽ, nhiều dự án thiếu giám sát, chưa quyết liệt trong đề xuất thu hồi dự án mà nguyên nhân mấu chốt là những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do người dân không đồng thuận về giá, không tìm được chủ đất, nguồn gốc đất không rõ ràng, tranh chấp đất đai, thừa kế... làm cho công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, không đảm bảo, không thể triển khai được các bước tiếp theo” - ông Nguyễn Hồ Hải nói.
Quan tâm ngay cả khi dự án đã hoàn thành
Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai thực hiện rất nhiều công trình, dự án quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị như dự án đường Vành đai 4; dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng rạch Xuyên Tâm, dự án Bờ Bắc Kênh Đôi… cùng với rất nhiều dự án khác tại TP và của các địa phương.
Chính vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng phải tập trung, giải quyết tốt bài toán giải phóng mặt bằng. Đây sẽ là tiền đề để TP chung sức, đồng lòng, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các công trình, dự án.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: THANH THÙY
Ông Hải đề nghị hệ thống chính trị TP, nhất là hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền về việc di dời, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng, chính sách ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, các hộ dân bàn giao mặt bằng trước thời hạn…
Đồng thời, cần chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của người dân, nhất là những dự án tái định cư để đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cũng lưu ý, sau khi công trình, dự án hoàn thành, hệ thống dân vận tham mưu các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tiếp tục nắm chắc tình hình Nhân dân, nhất là vấn đề đời sống, việc làm, thu nhập để tiếp tục hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh, sớm ổn định đời sống Nhân dân.
Ông Nguyễn Hồ Hải cũng yêu cầu UBND TP.HCM tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung xác định những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, nguồn vốn… đề xuất giải pháp phù hợp cho từng vướng mắc.
Công tác dân vận là trọng điểm
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định UBND TP tiếp tục xem công tác dân vận là trọng điểm để thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án trọng điểm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường. ẢNH: THANH THÙY
Theo ông Cường, tới đây TP tập trung vào thực hiện 5 dự án trọng điểm với gần 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng, chiếm diện tích khoảng 269 ha. TP.HCM còn rất nhiều dự án dự kiến triển khai như 11 vị trí mà TP sẽ làm theo mô hình TOD theo Nghị quyết 98, các dự án TP đang tập trung triển khai như phát triển đường sắt đô thị; đề án để di dời các nhà trên và ven kênh rạch với hơn 48.000 trường hợp cần phải di dời, hỗ trợ tái định cư.
Vì vậy, ông Cường nhấn mạnh toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên cần tập trung để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án.
Song song đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác phân cấp, ủy quyền, nhất là việc để các địa phương quyết định về biện pháp hỗ trợ, những chính sách hỗ trợ cho người dân.
Quá trình thực hiện, từ chủ đầu tư dự án, các ban bồi thường GPMB cần có sự năng động, sáng tạo, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, tái định cư, thu hồi đất… Trong đó, cần chú ý đảm bảo quyền lợi của người dân cao nhất.
THANH TUYỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/cach-nao-de-tphcm-giai-phong-mat-bang-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem-post819647.html