Cách người cha Do Thái bảo vệ con trai trong nhà tù Đức quốc xã

Cách người cha Do Thái bảo vệ con trai trong nhà tù Đức quốc xã
11 giờ trướcBài gốc
Tóc cạo trọc, mặc đồng phục, những người mới đến không còn là các cá nhân riêng lẻ nữa mà là một đám người đồng nhất chỉ được nhận diện bằng số hiệu của họ. Các đặc điểm phân biệt duy nhất là thi thoảng xuất hiện một cái bụng béo hay một cái đầu nhô lên cao hơn những người còn lại.
Sự tàn bạo khi họ đặt chân tới nơi này đã khắc sâu vào trong não họ ý niệm rằng họ là tài sản của SS, hãy chấp nhận mà cư xử cho phù hợp. Mỗi người được phát một miếng vải có số hiệu của mình ở trên đó, miếng vải này họ được yêu cầu tự khâu lên trước ngực áo đồng phục, cùng với một biểu tượng.
Quan sát hình mình được phát, Fritz nhận ra đó là một ngôi sao David được tạo nên từ một hình tam giác màu vàng và một hình tam giác màu đỏ chồng lên nhau. Tất cả những người khác cũng nhận được biểu tượng tương tự. Tam giác màu đỏ biểu thị rằng họ bị bắt với lý do họ là người Do Thái có gốc gác Ba Lan, những kẻ thù sinh sống ở bên ngoài quốc gia này, và họ đang phải chịu cái gọi là “quản thúc phòng ngừa” (nghĩa là để “bảo vệ” cho đất nước).
Ảnh: “Núi kính” bên trong khu ngục tù. Khoảng 6.500 đến 7.000 nhân viên đã cai quản hệ thống nhà ngục. Nguồn: Bách Việt Books.
Các tù nhân lúc này đang bị một sĩ quan SS khác khám xét, người này có mặt dẹt như mặt xẻng. Tên này, sau này họ sẽ biết, là phó chỉ huy trại Hans Hüttig, một kẻ hung tàn vô cùng tận tụy. Quan sát họ với vẻ ghê tởm, hắn lắc đầu và nói, “Không thể tin nổi những kẻ như thế này được cho phép tự do đi lại cho đến tận bây giờ.”
Họ được dẫn tới “trại nhỏ”, một khu cách ly ở rìa phía Tây của sân điểm danh, được bao quanh bởi hai lượt hàng rào dây thép gai. Ở bên trong, thay vì là lều trại bằng gỗ, có bốn cái lều bạt lớn, với những cái giường tầng bằng gỗ cao bốn tầng. Trong những tuần gần đây, trên tám nghìn tù nhân mới được đưa tới Buchenwald, gấp hơn hai mươi lần tỷ lệ tiếp nhận thông thường, và các lều đã chật cứng người đến mức chỉ chực chờ nổ tung.
Gustav và Fritz nhận thấy hai cha con họ sẽ dùng chung một ô giường rộng chỉ hai mét cùng ba người khác. Không có đệm, chỉ có độc ván gỗ. Mỗi người được phát một tấm chăn, thế nên chí ít họ cũng sẽ được đủ ấm. Chen chúc nhau như cá muối xếp trong hộp cùng với cái bụng đói, họ mệt lả tới mức chìm ngay vào giấc ngủ.
Ngày hôm sau, các tù nhân mới đến sẽ phải đăng ký với Gestapo của trại - được chụp ảnh, lấy dấu vân tay và thẩm vấn sơ lược, một quy trình cần hết buổi sáng mới xong. Vào buổi chiều, họ nhận được bữa ăn ấm đầu tiên: Một lượng nửa lít món hầm lõng bõng gồm khoai tây và củ cải còn nguyên vỏ, một chút xíu mỡ và thịt nổi trên bề mặt. Bữa ăn tối có một phần tư ổ bánh mì cùng một miếng xúc xích nhỏ xíu. Bánh mì được phát nguyên cả ổ, và bởi vì không có dao, họ chỉ có thể ang áng mà chia bánh, việc này thường dẫn đến bất hòa và những cuộc tranh cãi do tị nạnh nhau.
Trong vòng tám ngày, họ bị nhốt cách ly, sau đó bị đưa đi lao động. Hầu hết mọi người đều được bố trí lao động khổ sai ở một mỏ đá gần đó, nhưng Gustav và Fritz thì được giao bảo trì hệ thống thoát nước của căng-tin. Suốt ngày dài, những người lao động bị ngược đãi và bóc lột như nô lệ. Gustav viết trong nhật ký của mình: “Tôi đã chứng kiến các tù nhân bị lính SS đánh đập ra sao, thế nên tôi trông chừng con trai của mình rất kỹ. Chúng tôi trao đổi bằng ánh mắt; tôi hiểu tình hình ở đây và tôi biết phải cư xử sao để cho yên ổn. Fritzl cũng hiểu điều đó.”
Và thế là kết thúc đoạn nhật ký đầu tiên của ông. Ông xem lại những gì đã viết cho tới lúc này, mới chỉ mất hai trang rưỡi để đưa họ đi xa tới mức này, trải qua tình cảnh khốn cùng và nguy hiểm tới cỡ này. Tám ngày đã trôi qua. Còn bao nhiêu ngày nữa sẽ tới?
Cha
Gustav hiểu được rằng để được an toàn thì điều quan trọng là phải giữ cho mình không bị chú ý. Nhưng trong vòng hai tháng kể từ khi tới Buchenwald, cả ông và Fritz đều thu hút sự chú ý vào mình theo những cách nguy hiểm nhất có thể - Gustav là bất đắc dĩ, còn Fritz là cố tình.
Mỗi buổi sáng, một tiếng rưỡi trước khi bình minh, những tiếng còi chát chúa kéo họ ra khỏi cơn buồn ngủ. Sau đó là tới các kapo và trưởng các phòng giam, quát tháo giục họ nhanh chân. Những người này là một thứ gây choáng váng cho những người mới tới. Họ cũng là các tù nhân – phần lớn là “người xanh”, những tội phạm mang biểu tượng tam giác xanh trên đồng phục - được SS bổ nhiệm để hoạt động như những tên cai nô và giám sát các khu buồng phòng giam, cho phép các lính canh SS có thể giữ khoảng cách với số tù nhân đông đúc.
Ngay khi tiếng còi rít lên, Fritz và Gustav vội đi giày và bò xuống giường, dìm chân trong bùn lạnh ngập đến mắt cá chân trên sàn nhà không lát gạch. Ở bên ngoài, khu trại rực sáng dưới ánh đèn điện dọc theo hàng rào, trên các tháp canh và trên các lối đi và ở các khu vực mở.
Họ bị lùa ra sân để điểm danh, mỗi người được nhận một cốc cà phê hạt sồi. Thứ cà phê đó có vị ngọt nhưng không có tác dụng kích thích, và luôn luôn lạnh ngắt khi đến được tay họ. Phân phát cà phê là một quy trình rất lâu la, và họ phải đứng im lặng, bất động và run rẩy trong lớp áo quần mỏng dính suốt hai giờ đồng hồ. Tới lúc đến giờ đi làm, đó là khi mặt trời mọc sẽ bắt đầu chiếu sáng khung cảnh xung quanh.
Gustav và Fritz chỉ được tận hưởng công việc tu sửa cống thoát nước trong một thời gian rất ngắn, và giờ đây đã được phân công sang phân đội làm việc ở mỏ đá. Xếp thành những hàng dọc gọn gàng theo trật tự, họ được dẫn ra khỏi cổng chính, rẽ phải, đi theo con đường dẫn xuống giữa khu trại chính và khu phức hợp doanh trại của SS.
Đó là một dãy các tòa nhà hai tầng xây bằng gạch, một số vẫn đang xây dở, được sắp xếp thành hình cong giống như các cánh quạt. Những kẻ theo chủ nghĩa quốc xã tôn sùng những thiết kế hùng vĩ, to lớn của chúng, thậm chí là ở ngay các tại tập trung - một vẻ bề ngoài nhã nhặn, trật tự và giàu ý nghĩa để đánh lừa và che giấu đi cơn ác mộng thực sự ở đằng sau.
Jeremy Dronfield/Bách Việt Books & NXB Văn học
Nguồn Znews : https://znews.vn/cach-nguoi-cha-do-thai-bao-ve-con-trai-trong-nha-tu-duc-quoc-xa-post1526292.html