Cách nhận biết các loại mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả

Cách nhận biết các loại mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả
3 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm hàng giả được Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Ảnh: Công an Phú Thọ.
Một đường dây sản xuất thực phẩm giả cực lớn vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, với hơn 120 tấn dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, bột canh không đạt chuẩn bị thu giữ. Tất cả được đóng gói bằng dây chuyền tinh vi và gắn nhãn “tiêu chuẩn công bố”. Giám định của Viện Khoa học Hình sự cho thấy thành phần dinh dưỡng hoàn toàn không đúng như bao bì.
Sự việc khiến nhiều người hoang mang, bởi các loại gia vị như dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm - vốn quen thuộc trong gian bếp mỗi gia đình - lại có thể trở thành mối nguy cho sức khỏe nếu bị làm giả.
Điều gì xảy ra khi ăn phải dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), bức xúc nhận định đây là hành vi gian dối không thể dung thứ.
Theo ông, các sản phẩm thiết yếu như dầu ăn, bột canh, hạt nêm khi bị làm giả sẽ âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng từ dị ứng, ngộ độc đến tổn thương gan, thận nếu sử dụng lâu dài.
"Điều đáng ngại là các đối tượng làm giả có thể sử dụng chất tạo ngọt, phụ gia cấm, những hóa chất không có trong danh mục được Bộ Y tế cho phép, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc âm thầm, khó phát hiện kịp thời", PGS Thịnh nhấn mạnh.
Đối với dầu ăn, mối nguy còn lớn hơn. Các loại dầu ăn giả, dầu tái chế được thu gom từ các nhà hàng, quán ăn, sau đó xử lý sơ sài rồi tung ra thị trường. Trong quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao, chúng sản sinh ra transfat, aldehyde, fatty acid oxide - những chất độc hại có thể gây đột biến tế bào, ung thư.
Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra số hàng bị tạm giữ. Ảnh: Công an Phú Thọ.
Cách nhận diện thực phẩm giả
PGS.TS Thịnh cho biết bột ngọt, hạt nêm giả thường khó phân biệt bằng mắt thường. Tuy nhiên, có thể để ý những chi tiết nhỏ: sản phẩm chính hãng có bao bì sắc nét, mép dập đều, hạt mì chính thật có dạng cánh mềm mại, đồng đều, trong khi hàng giả thường sắc cạnh, thiếu tinh tế. Các loại hạt nêm giả hay nhái thương hiệu nổi tiếng, in nhòe ngày sản xuất, hoặc bán trôi nổi theo cân.
Dầu ăn giả dễ phát hiện hơn vì sản phẩm thường có mùi khét lạ, đặc biệt khi đun sôi cùng nước sẽ bốc mùi khó chịu. Các món chiên rán vỉa hè bốc mùi dầu cháy, ôi khét cũng tiềm ẩn nguy cơ sử dụng loại dầu độc hại này.
"Người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ nhà sản xuất uy tín, có đầy đủ nhãn mác như tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần rõ ràng. Với thực phẩm nhập khẩu, cần lưu ý bắt buộc có nhãn phụ tiếng Việt để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng", vị chuyên gia khuyến cáo.
PGS.TS Thịnh cũng kiến nghị cơ quan chức năng công bố danh sách chi tiết các sản phẩm vi phạm, thành phần hóa chất có trong từng lô hàng để người dân cảnh giác và tự bảo vệ mình trước vấn nạn thực phẩm giả đang ngày càng tinh vi, quy mô hóa.
Chiều 27/4, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 902/ATTP-KN đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ thực hiện rà soát hồ sơ tự công bố sản phẩm mỳ chính của công ty TNHH Famimoto Việt Nam;
Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm mỳ chính giả của công ty TNHH Famimoto Việt Nam hiện còn trên thị trường; phối hợp với cơ quan Công an xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan này khuyến cáo người dân, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể không sử dụng sản phẩm mỳ chính giả của của công ty TNHH Famimoto Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cach-nhan-biet-cac-loai-mi-chinh-hat-nem-dau-an-gia-post1549746.html