1. Vitamin D cần thiết cho sức khỏe xương
Vitamin D là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của trẻ. Loại vi chất này tạo điều kiện cho cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi, đóng vai trò tăng cường sự phát triển của xương chắc khỏe. Tình trạng thiếu hụt vitamin D thường gặp ở trẻ em dành phần lớn thời gian ở trong nhà.
Cha mẹ (người chăm sóc) có thể nhận thấy trẻ bị thiếu vitamin D thông qua các đặc điểm bao gồm: Đau xương, yếu cơ, hoặc thậm chí là chậm phát triển và tăng trưởng. Nếu trẻ thường xuyên bị ốm hoặc dễ bị nhiễm trùng, có thể là dấu hiệu cho thấy bé có thể không nhận đủ vitamin D.
Các nguồn cung cấp lượng vitamin D tốt bao gồm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các loại thực phẩm như sữa tăng cường, trứng… Ở một số trẻ em, thực phẩm bổ sung có thể là cách tốt nhất để đảm bảo trẻ nhận đủ lượng vitamin D.
Nhận đủ chất dinh dưỡng (vitamin) phù hợp sẽ giúp trẻ tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh.
2. Vitamin A quan trọng với thị lực và làn da khỏe mạnh
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với thị lực, làn da và chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Thiếu hụt vi chất này có thể gây tình trạng quáng gà, da khô và thậm chí là nhiễm trùng tái phát. Nếu trẻ hay phàn nàn về việc khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc da khô, thô ráp… rất có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin A.
Nhiều loại thực phẩm có chứa loại vitamin này như cà rốt, khoai lang, rau bina... Nếu tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, cần phải bổ sung bằng thuốc.
Các biểu hiện lâm sàng của tình trạng thiếu vitamin A bao gồm quáng gà, đốm bitot (là sự tích tụ keratin nằm nông ở kết mạc mắt người), khô và sẹo giác mạc. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tình trạng mù lòa, ra bệnh tật và tử vong ở trẻ em mà có thể phòng ngừa được.
3. Vitamin C tăng cường miễn dịch
Vitamin C là chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng, chữa lành vết thương. Thiếu vitamin C có thể biểu hiện bằng chảy máu nướu răng, da khô hoặc vết thương chậm lành. Trong những trường hợp nghiêm trọng, dẫn đến bệnh scorbut, đi kèm với đau khớp, thiếu năng lượng, luôn cảm thấy buồn ngủ...
Nguồn cung cấp vitamin C tốt bao gồm cam, chanh, bưởi, dâu tây, ớt chuông… Những thực phẩm này sẽ đảm bảo trẻ sẽ nhận được các chất dinh dưỡng để duy trì tình trạng khỏe mạnh về khả năng miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng thông thường.
4. Vitamin B12 tốt cho chức năng nhận thức
Vitamin B12 rất quan trọng đối với sự triển của não và sản xuất các tế bào hồng cầu. Thiếu B12 dẫn đến các cơn yếu cơ, mệt mỏi, kém tập trung, da nhợt nhạt, thậm chí là các vấn đề về thần kinh. Những người ăn chay và trẻ em có chế độ ăn hạn chế có thể có nguy cơ thiếu hụt B12 cao hơn.
Thực phẩm giàu vitamin B12 thường là nguồn thịt, sữa và ngũ cốc ăn sáng tăng cường. Nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi hoặc không thể tập trung, nên cần kiểm tra mức B12 trong cơ thể.
5. Folate cần thiết cho sự phát triển của tế bào khỏe mạnh
Folate hay vitamin B9, rất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của tế bào khỏe mạnh. Thiếu folate gây ra tình trạng chậm phát triển, mệt mỏi và cáu kỉnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như thời kỳ trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên…
Các loại thực phẩm như rau lá xanh, đậu, ngũ cốc tăng cường là nguồn cung cấp folate tốt. Nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia liên kết tình trạng thiếu folate với tình trạng chậm phát triển và tăng nguy cơ thiếu máu ở trẻ em.
Nếu trẻ có dấu hiệu năng lượng thấp hoặc chậm phát triển, có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu folate.
Khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng của thiếu vitamin, nên đưa trẻ đi khám. Thông qua xét nghiệm máu đơn giản sẽ giúp phát hiện sớm bất kỳ dạng thiếu hụt nào, trước khi chúng gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, để ứng phó kịp thời, đúng cách.
DS. Hoài Thu