Cách nhận diện chiêu lừa đảo kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ

Cách nhận diện chiêu lừa đảo kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ
13 giờ trướcBài gốc
Fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo tiền từ thiện.
Những ngày qua, bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc. Nhiều tổ chức từ thiện đã vận động cứu trợ, quyên góp cho những hộ dân và khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên, nhiều kẻ xấu lợi dụng hoàn cảnh này để giả mạo cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức uy tín để kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trao đổi với VietTimes, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc mảng doanh nghiệp của Kaspersky tại Việt Nam cho rằng, thời điểm khắc phục hậu quả của lũ bão là lúc người dân lơ là các biện pháp đảm bảo an ninh mạng. Lợi dụng sự lan rộng của chiến dịch ủng hộ và lòng trắc ẩn của người dân, tội phạm mạng trục lợi bằng cách lừa các nhà hảo tâm quyên góp vào các quỹ cứu trợ giả mạo.
Khái quát về các vụ lừa đảo trực tuyến, đại diện Kaspersky cho rằng các đối tượng xấu sẽ sử dụng 2 kịch bản chính để lừa đảo.
Trước tiên, ở kịch bản phát tán thông tin sai lệch, tội phạm mạng lợi dụng tình hình hỗn loạn để phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về thiệt hại thiên tai, chẳng hạn như mất điện, kêu gọi quyên góp đến những khu vực không bị ảnh hưởng, thậm chí cung cấp sóng di động miễn phí cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Kịch bản thứ hai, tội phạm mạng thường sử dụng phương thức mạo danh các tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí là các cơ quan chính phủ, để lừa những nhà hảo tâm chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng. Một số đối tượng còn mở tài khoản ngân hàng giả, đứng tên một sở ban ngành hoặc cơ quan Chính phủ, hoặc tổ chức phi lợi nhuận để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Lưu ý người dân về biện pháp tự bảo vệ bản thân khỏi những vụ lừa đảo tài chính, ông Ngô Tấn Vũ Khanh cho rằng ngoài việc trang bị các kiến thức cơ bản về an ninh mạng, người dân cần kiểm tra uy tín của các trang, fanpage kêu gọi ủng hộ.
Cần phải xác thực danh tính những cá nhân hoặc tổ chức đứng ra kêu gọi quyên góp, người dân có thể kiểm tra mức độ tương tác trên tường nhà, fanpage. Ví dụ, nếu một fanpage có 5.000 lượt thích nhưng bài đăng chỉ có một vài bình luận, thì khả năng cao đó là fanpage lừa đảo, và mới lập gần đây. Ngoài ra, các trang giả mạo sẽ ít đăng tin bài, chủ yếu là kêu gọi từ thiện thay vì cập nhật thông tin như các trang chính thống.
Cùng với đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác, chỉ nên tin tưởng vào thông báo, phát ngôn chính thức từ Chính phủ. Trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân nên kiểm tra kỹ tài khoản ngân hàng, thông thường các tài khoản chính thống đều được đăng ký dưới tên của các tổ chức phi lợi nhuận hoặc Chính phủ, thay vì những cá nhân không liên quan.
Ngoài việc phát tán thông tin sai lệch, gần đây, tội phạm mạng còn sử dụng hình ảnh do AI tạo ra về nạn nhân thiên tai để kêu gọi sự cảm thông và lừa người dân ủng hộ, quyên góp. Để tránh mắc bẫy lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, ông Khanh đưa ra gợi ý người dùng hãy chú ý đến các chi tiết trong ảnh như chân, tay và tóc vì đó là những đặc điểm của con người mà AI khó tái tạo chính xác nhất. Theo đó, hình dạng chủ thể sẽ có vài đặc điểm bất thường, kết cấu tóc vừa sắc nét vừa mờ ảo, khiến tổng thể bức ảnh không tự nhiên.
“Ngoài ra, hình ảnh do AI tạo ra thường quá bóng, đôi mắt vô hồn và làn da quá mịn, khiến chủ thể bức ảnh trông giống nhân vật hoạt hình hơn là người thật. Bên cạnh đó, để xác định đây có phải là hình ảnh do AI tạo ra hay không, người dùng cần chú ý phông nền của bức ảnh vì AI có xu hướng kết xuất chủ thể con người tốt hơn. Người và vật có thể hòa vào nhau, khuôn mặt có thể bị bóp méo và nhiều lỗi có thể dễ dàng phát hiện ngay từ cái nhìn đầu tiên”, ông Khanh nói thêm.
Theo cảnh báo từ Cục An toàn thông tin, đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Thậm chí, lợi dụng sự quan tâm của người dân, các đối tượng đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình bão lũ.
Trước thực trạng lừa đảo này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân trước khi quyên góp, ủng hộ cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp; nên đóng góp tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, người dân nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Anh Lê
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/cach-nhan-dien-chieu-lua-dao-keu-goi-ung-ho-dong-bao-bao-lu-post178601.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat